Từ năm 2002 - 2007, do một số xứ đồng của xã Hiệp Thuận canh tác không hiệu quả nên các hộ đã tự mua, bán, đổi ruộng để đào ao thả cá, trồng cây lâu năm, chăn nuôi bò, lợn, gà, vịt làm mô hình kinh tế trang trại. Mỗi trang trại ở đây rộng hàng ngàn mét vuông đến nay đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động. Giữa năm 2013, thực hiện công tác DĐĐT tại 2 khu B và C với 126ha của 6 cụm dân cư, UBND xã thành lập các tiểu ban, đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương này.
Tại các buổi họp, người dân yêu cầu những hộ có trang trại tự phát phải hoàn trả mặt bằng để công tác DĐĐT đạt kết quả. Nhưng cũng có nhiều ý kiến đưa ra là cần xem xét, tạo điều kiện cho những hộ đã đầu tư công sức, tiền của xây dựng trang trại ổn định. Trong số đó, ông Hoàng Duy Kỷ, một trong những người đầu tiên đầu tư làm trang trại tại xứ đồng khu C, nơi được coi là vùng trũng canh tác kém hiệu quả. Sau nhiều năm gây dựng, đến nay trang trại của ông Kỷ rộng 4.530m2, trong đó có hơn 2.000m2 ao thả cá, xung quanh trồng 130 cây bưởi Diễn, nhãn... Đây là cơ sở để vợ chồng ông thoát nghèo và tạo thu nhập cao. Ông Kỷ cho biết: "Nhiều năm qua, hàng chục hộ có trang trại ở cụm 6 đã đầu tư hàng tỷ đồng và công sức đào ao thả cá, trồng cây, làm lều lán đưa vùng đất trũng cuối xứ đồng từ sản xuất kém hiệu quả thành vùng đất "vàng". Đến khi cho thu hoạch lại bắt phá trang trại, như vậy là không hợp lý, gây thiệt hại cho người dân!".
Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận Đỗ Đình Lục thừa nhận việc để các trang trại tự phát tồn tại nhiều năm qua lỗi do UBND xã nhiệm kỳ trước buông lỏng quản lý. Đến nay, thực hiện công tác DĐĐT, UBND xã đã tiến hành DĐĐT xong khu A với diện tích hơn 40ha. Hiện, UBND xã đang tiếp tục đào đắp kênh, mương, bờ ruộng khu B, khu C với 126ha đã cơ bản hoàn thành và chỉ vướng mắc 5 hộ có trang trại ở khu C không bàn giao mặt bằng. "Tuy các trang trại này hoạt động nhiều năm qua, nhưng không được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, trang trại nào nằm trong vùng quy hoạch đất trồng lúa thì phải hoàn trả mặt bằng để thực hiện DĐĐT. Mặc dù, các hộ đề nghị xin được giữ trang trại, nhưng tại các cuộc họp, đa số người dân ở cụm 6 không đồng ý với đề nghị này"- ông Lục nói.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn cho biết, UBND xã Hiệp Thuận đã báo cáo những khó khăn trong việc DĐĐT để UBND huyện nắm bắt và có hướng chỉ đạo giải quyết. Đối với một số trang trại tự phát thuộc diện phải bàn giao mặt bằng để phục vụ công tác DĐĐT đề nghị xin được giữ lại, đến nay Phòng Kinh tế chưa nhận được đơn của các hộ nàỵ. Theo ông Phùng Anh Tuấn : "Nếu các hộ xin giữ lại trang trại, Phòng Kinh tế sẽ phối hợp cùng Phòng TN&MT khảo sát, thống nhất đề xuất với UBND huyện hướng giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân".
Trang trại của ông Hoàng Duy Kỷ. Ảnh: Nguyễn Hữu
|