Điều này đã khiến cử tri cũng như ĐB Quốc hội không thể không lo lắng.
Theo số liệu được các ĐB nêu ra, con số nợ công của Việt Nam ước tính sẽ hơn 3 triệu tỷ đồng (tính đến cuối năm 2017), đồng nghĩa rằng mỗi người dân đang phải gánh khoản nợ là 30 triệu đồng cho đất nước. Rồi theo dự báo, con số trên vẫn sẽ tăng cao đến mức 4,2 triệu tỷ đồng vào năm 2020. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận nợ công hiện rất cao và áp lực trả nợ cũng rất lớn.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn. |
Song, nếu như con số mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đưa ra, chúng ta cũng đã cân đối, chắt chiu bằng nhiều giải pháp để năm vừa rồi cũng tích lũy, mua thêm được 1 tỷ đô la đã cho thấy, Chính phủ đã và đang có những động thái rất tích cực trong một vấn đề cực lớn. Nó đòi hỏi phải làm từ từ để khắc phục trong những năm tới.
Quan điểm của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi nói rằng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính lập đề án giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công nhận được sự tán đồng. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ quan điểm rất rõ, rằng vấn đề nợ công là điều tuy đáng lo nhưng cũng không lo bằng việc nguồn tài chính này đầu tư kém hiệu quả. Theo Phó Thủ tướng, đến năm 2015, nợ công sát trần 65%, dư nợ Chính phủ trên 50%, vượt trần cho phép, tỷ lệ chi ngân sách trên trả nợ vay là 27,3%. Con số này cao hơn mức tiêu chuẩn cho phép của quốc tế là 25%. Nợ công đang tăng cao khiến áp lực trả nợ lớn. Chính phủ đã xác định nhiệm vụ giải quyết vấn đề này là trọng tâm trong giai đoạn 2016 - 2020.
Phó Thủ tướng cũng đã chia sẻ, nhiều thành viên trong Chính phủ, nhiều chuyên gia khuyến cáo nên nới trần nợ công khi nhu cầu phát triển rất lớn đảm bảo quốc phòng an ninh, xóa đói giảm nghèo... Song, Chính phủ đã tính toán rất kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, điều quan trọng là khả năng trả nợ. Do đó, Chính phủ nói không với xin tăng trần nợ công.
Câu hỏi đặt ra là, nếu không nới trần nợ công thì Chính phủ sẽ có những giải pháp gì đảm bảo nguồn lực để đầu tư phát triển? Phó Thủ tướng cho hay, thay cho nới trần, Chính phủ chỉ đạo cơ cấu lại thu chi ngân sách đảm bảo bền vững an toàn nợ công. Được biết, tình hình hiện nay có xu hướng tốt hơn như nợ công hiện còn 62% GDP, nợ Chính phủ còn 51,8%...
Dư luận tán đồng và cho rằng, đã tới lúc Chính phủ cần dứt khoát không tiếp tục nới trần nợ công dù rất hiểu rằng nhiều dự án lớn đang vẫn cần triển khai. Nên chăng, để bù đắp chuyện tăng nợ công, Đảng và Nhà nước cần quyết liệt trong các quyết định dùng tiền ngân sách xây dựng các quảng trường, tượng đài vô cùng lãng phí ở các địa phương được đề xuất trong lúc này; hạn chế việc xây dựng các sân bay nhỏ mang tính cục bộ, kém hiệu quả ở các địa phương khi mà đường giao thông bộ ngày một tốt hơn hay chuyện xây dựng Bảo tàng Quốc gia, hạn chế đối tượng dùng xe công, chuyện tổ chức linh đình các lễ hội, mít tinh kỷ niệm nhân các sự kiện quá mức cần thiết, gây tốn kém ngân sách... Tất cả, phải được siết chặt!
Bên cạnh đó, một ĐB Quốc hội hôm 16/11 đã đề cập đến việc khuyến khích các chủ phương tiện vận tải đường trường Bắc - Nam mua vé cả năm sẽ được giảm giá lệ phí đường bộ. Chúng ta có thể thu trước cả trăm nghìn tỷ đồng từ khoản thu trước nói trên mà Nhà nước đỡ phải vay nợ thêm. Qua cách làm này, chúng ta cũng có thể rút ngắn thời gian để các DN đầu tư giao thông theo BOT, tiến tới việc đường sá sớm trả về cho Nhà nước quản lý. Nếu không, rất dễ có ngày, khi bàn giao đường về cho Nhà nước thì cũng là lúc đường đã nát bươm...
Việc tìm ra giải pháp làm sao để bảo đảm về an toàn nợ công nhưng vẫn đủ nguồn vốn để đầu tư có hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội là một bài toán vô cùng khó. Nhưng việc Chính phủ đã và đang có những giải pháp tích cực để kiểm soát nợ công tăng chậm lại vẫn cần được ghi nhận bước đầu dù biết là cũng cần có thời gian mà không thể nóng vội.