"Chúng ta hoàn toàn có thể đưa lãi suất về mức hợp lý với lạm phát bằng cơ chế từ thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính" - Thủ tướng nói.
Tín dụng đi trúng đích
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, năm 2011, các ngân hàng đã thắt lưng buộc bụng và việc làm này sẽ tiếp tục trong năm 2012, từ đó tạo ra sự phát triển theo phương châm nhanh nhưng chất lượng và bền vững. Ông Bình cho biết, điểm sáng nhất của năm 2011 là nếu giai đoạn 2001 - 2010, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân 33,5%/năm mới đảm bảo GDP ở mức 7 -7,5%/năm thì năm 2011, tăng trưởng tín dụng ước khoảng 12,5% nhưng GDP đã đạt được 6%. Điều này cho thấy tín dụng đã đi trúng đích cả về chất và lượng.
Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận, trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng có điểm chưa hợp lý, nhất là việc áp dụng chung tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống, gây khó cho ngân hàng lành mạnh, nhưng không hạn chế được những ngân hàng cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
Năm nhiệm vụ Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cần quyết liệt triển khai trong năm 2012: 1. Chính sách tiền tệ phải ưu tiên nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 9% 2. Điều hành chủ động, linh hoạt tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ 3. Kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng, ngoại tệ 4. Giảm dần mặt bằng lãi suất bảo đảm phù hợp với tình hình chung của nền kinh tế và phù hợp với tình hình lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh 5. Tập trung triển khai tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. |
Bởi vậy năm 2012, chính sách tín dụng của NHNN sẽ không cào bằng hạn mức tín dụng cho tất cả các ngân hàng mà sẽ cấp chỉ tiêu cho từng ngân hàng theo nguyên tắc ngân hàng hoạt động tốt, thì tăng trưởng tín dụng cao hơn ngân hàng hoạt động chất lượng thấp hơn. Thanh tra NHNN sẽ tiến hành kiểm tra, phân loại các tổ chức tín dụng thành 4 nhóm: nhóm hoạt động lành mạnh (loại A), nhóm hoạt động ở mức trung bình (loại B), nhóm hoạt động dưới mức trung bình (loại C) và nhóm hoạt động yếu kém. NHNH cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa ở mức 15 - 17%.
Đồng tình với điều này, Phó Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, NHNN nên tổng hợp lại tất cả các ngân hàng có tín dụng năm nay kém, thì năm tới không thể cho phát triển mạnh tín dụng. Những đơn vị mà năm nay không có nguồn vốn phải tăng thanh khoản thì cũng không thể cho tối đa hạn mức tín dụng. Với những đơn vị chất lượng tín dụng tốt thì phải cho họ vượt hạn mức tín dụng, sau đó san bằng ra cả hệ thống thì sẽ đạt khoảng 15 - 17% vào cuối năm 2012. Có như vậy bên thiếu vốn, bên thừa vốn mới gặp được nhau và sẽ không phải chịu áp lực.
Không thể lấy tiền xã hội cho người nhà vay hết
Tại Hội nghị, Thủ tướng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ những tồn tại trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt tình trạng một số ngân hàng lạm dụng chức năng huy động vốn từ trong dân để rồi cho vay đầu tư nội bộ, dù quy định hiện hành nghiêm cấm điều này. "Có những ngân hàng cho vay nội bộ tới một phần tư, thậm chí một nửa số vốn huy động từ dân cư. Như vậy không còn vốn cho xã hội nữa, ngân hàng khó có thể an toàn. Không thể lấy tiền huy động của toàn xã hội để cho nhà mình vay hết, để đầu tư cho các dự án của chính mình" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, tình trạng cho vay cổ đông nội bộ, nợ xấu gia tăng, mất thanh khoản tạm thời ở một số ngân hàng do lỗi của chính các ngân hàng đó, nhưng cũng có phần trách nhiệm của quản lý Nhà nước. Thời gian tới, hoạt động thanh tra giám sát cần tăng cường hiệu quả hơn, đảm bảo các ngân hàng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và có thể cảnh báo sớm các rủi ro tiềm tàng. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng phê phán tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu tinh thấn hợp tác trong hệ thống ngân hàng. Đó là tình trạng vượt trần lãi suất thời gian trước, là việc mạnh ai nấy chạy, thiếu sự hợp tác dẫn đến việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng - nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau lên đến 40%/năm.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV: Lách trần lãi suất bắt đầu quay lại Hiện tình trạng vượt trần là phổ biến, gây gia tăng rủi ro trong hệ thống. Có những tổ chức tín dụng đã phải trả giá bởi có "cò" tín dụng xuất hiện, khách hàng và ngân hàng mất tiền. Đặc biệt, tình trạng vượt trần lãi suất sau một thời gian im ắng vì NHNN làm nghiêm thì lại bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 12/2011 do căng thẳng thanh khoản. Cụ thể, BIDV vừa bị rút 600 tỷ đồng do lãi suất được đẩy lên 16,5% nên NHNN cần rất cẩn trọng và để ý đến vấn đề này. Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank: Nên áp trần lãi suất cho vay Nhiều tổ chức tín dụng đã đẩy lãi suất huy động lên tới 16 - 16,5%/năm bằng nhiều hình thức khác nhau. Để ngăn chặn tình trạng này NHNN cần phải tăng cường thanh tra thường xuyên việc chấp hành trần lãi suất 14% này. Về trung hạn, phải gỡ bỏ trần lãi suất huy động sang đặt trần lãi suất cho vay. Công cụ tái cấp vốn cần chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp hơn. |