Cơ quan quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (CITES) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản yêu cầu chi cục Kiểm lâm các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lây lan từ động vật hoang dã, trong đó có dịch bệnh do virus Ebola.
Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc CITES Việt Nam, để tăng cường phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ khác, cơ quan quản lý CITES Việt Nam đề nghị Chi cục Kiểm lâm và các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương cử cán bộ tăng cường giám sát hoạt động nhập khẩu và nuôi động vật hoang dã tại địa phương; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi nhập lậu động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, cơ quan CITES Việt Nam cũng yêu cầu chủ các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thường xuyên thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, giám sát dịch bệnh, đặc biệt là các cơ sở có nuôi động vật nhập khẩu từ khu vực Châu Phi.
Các địa phương cần tham mưu cho cấp có thẩm quyền và chủ động phối hợp với cơ quan thú y, các trung tâm y tế địa phương giám sát tình hình dịch bệnh tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã; tiến hành tiêu hủy ngay những động vật hoang dã chết không rõ nguyên nhân.
Mặt khác, các địa phương chỉ đạo sát sao việc thực hiện cách ly, giám sát đối với các cá thể động vật bị ốm, yếu nếu xác định các triệu chứng bệnh truyền nhiễm và kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng.
CITES Việt Nam yêu cầu các đơn vị cơ sở cần tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, gây nuôi, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã trái phép đồng thời có các biện pháp an toàn cho người khi tiếp xúc với động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trong quá trình thực thi pháp luật và cứu hộ động vật hoang dã. Đặc biệt, các đơn vị cơ sở cần giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu động vật hoang dã, bao gồm động vật hoang dã có nguồn gốc từ Châu Phi.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc CITES Việt Nam cũng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng lập phương án phòng chống lây nhiễm ngay khi phát hiện các bệnh truyền nhiễm bùng phát trên động vật hoang dã gây nuôi tại địa phương.
Thường xuyên làm vệ sinh các chuồng trại nuôi thú để phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Theo nghiên cứu của Tổ chức nông nghiệp, lương thực Liên hợp quốc (FAO), có trên 70% các bệnh truyền nhiễm gần đây con người mắc phải có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Các bằng chứng khoa học đã khẳng định rằng các bệnh truyền nhiễm mới nổi như Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS), AIDS, cúm gia cầm… đặc biệt là bệnh Ebola với tỷ lệ tử vong lên đến trên 90%, hiện đang bùng phát tại các nước Trung và Tây phi có nguy cơ lây lan sang các nước châu Á và Việt Nam, bắt nguồn từ các loài linh trưởng, cầy, dơi và chim di cư do con người tiếp xúc trong quá trình săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, tiêu thụ. |