Chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa vào chương trình giám sát năm 2017 và giao do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì về nội dung giám sát.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Theo thống kê, hiện tại trên cả nước có 96 trạm thu phí BOT, quy hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm thu và đến năm 2030 sẽ là 121 trạm thu phí BOT. UBTV Quốc hội nhận định, thời gian qua, việc đầu tư, xây dựng và khai thác các công trình BOT đã gây ra nhiều bất cập, gây bức xúc trong Nhân dân. Tập trung vào một số vấn đề như thu phí cao làm tăng giá cước vận tải; thu phí không đúng dự án đầu tư, thu bù cho các dự án khác; người dân bị ép buộc, thiếu sự lựa chọn cho người dân và doanh nghiệp khi không có nhu cầu sử dụng dự án BOT; việc bố trí quá nhiều trạm thu phí không đúng khoảng cách theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, dự án chưa đảm bảo tiêu chuẩn thu phí BOT… Việc lập, thẩm định dự án BOT, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án BOT hiện nay được UBTV Quốc hội nhận định còn nhiều bất cập khiến dư luận bức xúc… Chính phủ quy định nhà đầu tư BOT được huy động vốn, trong đó phần đi vay của ngân hàng theo lãi suất được đưa vào để tính thời gian thu phí hoàn vốn, điều này cho thấy quá trình này rất cần thiết phải có sự giám sát. Đặc biệt, phần lớn các dự án BOT được thực hiện trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nguồn vốn vay từ ngân hàng, một số lớn dự án được Chính phủ bảo lãnh. Như vậy, về bản chất, bảo lãnh của Chính phủ sẽ tạo ra nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và trực tiếp làm tăng nợ công. Trách nhiệm cuối cùng của khoản vay vẫn thuộc về nhà nước, không đúng với mục đích ban đầu là chuyển dịch trách nhiệm từ nhà nước sang khu vực tư nhân. Cho rằng rất cần thiết phải đưa chuyên đề này vào trong chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2017, đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng: Hiện nay ở nhiều nơi, người dân không có sự lựa chọn và gần như bắt buộc phải sử dụng đường cao tốc BOT mà không có bất kì sự lựa chọn nào khác. Cụ thể như gần đây, báo chí có nêu hiện tượng chủ đầu tư ngăn cản cầu, đường cũ để buộc người dân phải đi cầu, đi đường BOT, như thế là không công bằng, là không đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân đã được Hiến pháp quy định. Điều này đang làm tăng thêm bức xúc cho người dân. Thông qua công tác giám sát của Quốc hội hi vọng sẽ là cơ sở để tháo gỡ vấn đề này. Qua giám sát sẽ làm minh bạch các vấn đề mà dư luận quan tâm lâu nay như suất đầu tư cao, giá trị công trình, dự án, công tác thu phí và có lợi ích nhóm hay không trong đầu tư BOT. ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cũng đồng tình: “Nếu thu phí đúng người dân sẵn sàng chấp nhận nhưng thu phí không đúng người dân sẽ không chấp hành và phản đối. Qua kiểm tra trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ trong 10 ngày vừa qua đã cho thấy, con số báo cáo mức thu phí bình quân chỉ đạt 35 tỷ đồng/tháng, nhưng trên thực tế, trạm thu phí này đã thu được trên 19 tỷ đồng/10 ngày, chênh lệch so với báo cáo đến 500 triệu đồng/ngày. Đây mới là kiểm tra 1 trạm, vậy thì với các trạm khác sẽ ra sao? Nếu đối chiếu con số này với gần 60 tỉnh, thành có trạm thu phí BOT, mức phí cũng như thời gian thu phí là quá sức chịu đựng của người dân”. Một số ý kiến cũng cho rằng, hình thức đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT còn tương đối mới mẻ, do đó còn có nhiều lỗ hổng về mặt luật pháp. Điều này luôn được người dân hết sức quan tâm vì sử dụng và trả phí đều có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Vì thế nhất thiết lĩnh vực này cần phải được đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội.