Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát “siêu” doanh nghiệp có vốn 144.000 tỷ đồng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một DN đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của DN cả nước trong tháng.

 DN đăng ký vốn khủng tại huyện Hoài Đức, Hà Nội đang được giám sát
Tên đầy đủ của DN này là Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC, trụ sở đăng ký tại số 10, ngõ 234, đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Người đại diện pháp luật của công ty là ông Trần Gia P., sinh năm 1979, thường trú ở cụm 3, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.
3 cá nhân tham gia góp 144.000 tỷ thành lập gồm: Bà Kim Thị P., thường trú ở phố Nguyễn Thái Học, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng; ông Nguyễn Hoàn S. thường trú ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh và ông Trần Gia P. ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.
Đây là số vốn khủng tương đương với tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng lớn Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank cộng lại và lớn hơn vốn điều lệ của Viettel (hiện khoảng 141.000 tỷ đồng).
Điều bất thường là số vốn góp lên tới 144.000 tỷ đồng sẽ được 3 cá nhân trên cam kết góp hoàn toàn bằng tiền VND. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, khả năng kê khai vốn ảo rất cao.
Hoạt động đăng ký kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hiện được thực hiện qua mạng, nên cán bộ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh chỉ có thể trao đổi với người đại diện DN qua điện thoại. Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, vì số vốn đăng ký thành lập DN rất "khủng" nên cán bộ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh phải hỏi đi hỏi lại người đại diện DN xem có kê khai nhầm từ 1,4 tỷ đồng thành 144.000 tỷ đồng không.
Người đại diện DN khẳng định không nhầm và cam kết sẽ góp đủ vốn trong 90 ngày theo quy định pháp luật. Vì vậy, theo quy định pháp luật thì cơ quan đăng ký kinh doanh buộc phải cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho họ. Quá trình xem xét hồ sơ đăng ký thành lập DN, cán bộ Cục đã phổ biến rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi đăng ký kinh doanh.
“Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký kinh doanh nhưng họ cũng phải có nghĩa vụ góp đủ số vốn kê khai trong đăng ký kinh doanh trong thời hạn 90 ngày từ thời điểm cấp đăng ký kinh doanh" - vị lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khẳng định.
Trường hợp các cổ đông không góp đủ vốn trong thời hạn quy định sẽ bị xử lý, bị phạt hành chính và buộc phải giảm số vốn đã đăng ký. Hết thời hạn 90 ngày kể từ thời điểm cấp giấy chứng nhận thành lập DN, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh sẽ yêu cầu DN báo cáo tình hình góp vốn, nếu các cổ đông không góp đủ vốn thì sẽ có biện pháp xử lý theo quy định. Trường hợp kê khai vốn ảo thì cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sẽ buộc DN phải kê khai lại cho đúng.
Trước hoài nghi của cộng đồng về DN này là đa cấp bất động sản kiểu Alibaba, lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng: "Chưa ai khẳng định điều này". Tuy nhiên, ông này cho biết: "Cơ quan đăng ký kinh doanh đã làm các thông báo đến cơ quan thuế, công an, xây dựng, thanh tra để phối hợp quản lý. Đồng thời gửi thông tin cho một số cơ quan có liên quan để giám sát quá trình đó, để đảm bảo không có chuyện gì xảy ra.
Trong khi đó, trả lời báo Tuổi trẻ, bà Kim Thị P. một trong 3 cổ đông đăng ký góp 144.000 tỷ đồng lập Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC cho biết, gia đình chủ yếu trông chờ vào tiền kiếm được từ việc làm đại lý phân phối nước khoáng từ trường. Bà P. cũng cho biết thêm phải chạy ăn từng bữa, đến nay chưa góp vốn đồng nào vào công ty. Về 2 cổ đông còn lại của Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC, bà P. cho biết ông S. làm cùng công ty nước khoáng, ông P. làm nghề buôn gỗ. "Chúng nó mở công ty để kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài. Làm gì có xu nào. Cứ kê thế cho oai chứ làm gì có đồng nào mà góp vốn" - bà P nói.
Theo thống kê, hiện cả nước mới chỉ có 5 DN có vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng gồm 3 tập đoàn kinh tế Nhà nước là PetroVietnam, EVN và Viettel cùng 2 DN FDI là Formosa Hà Tĩnh và Vietnam Beverage.