Đó là vấn đề được thảo luận tại hội thảo "Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế T.Ư Đảng và Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa phối hợp tổ chức. Nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân không nhỏ do việc phổ biến các sản phẩm tài chính phái sinh có liên quan đến các khoản vay thế chấp. Khi các sản phẩm này ngừng hoạt động, các nhà đầu tư đã tổn thất hàng trăm tỷ USD. Theo bà Victoria, do ảnh hưởng suy giảm từ năm 2008, hiện kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi vững chắc và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nền kinh tế mới nổi cần nỗ lực giảm mất cân bằng để tăng khả năng chống lại các cú sốc, thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính vững chắc. Tại Việt Nam, theo ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo với sự liên thông của cả 3 khu vực ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp (DN) đã làm méo mó và lệch lạc các dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế và được coi là một trong những nguyên nhân gây nên những bất cập của hệ thống tài chính trong thời gian qua. Vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) kinh doanh vi phạm pháp luật, trốn thuế đến hàng ngàn tỷ đồng là một ví dụ. Tương tự, nhiều DN Nhà nước đầu tư dàn trải, ngoài ngành, kinh doanh thua lỗ đến khi mọi sự đã rồi thì cơ quan chức năng mới biết. Rồi mới đây, việc 7 ngân hàng cùng nhau giành quyền kiểm soát kho cà phê của một DN lại đặt ra nhiều lo lắng về hoạt động cho vay - thế chấp hàng hoá… Ở khía cạnh khác, ông Robert Rocha - chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho biết, việc thanh tra, giám sát thị trường tài chính tại Việt Nam đang thực hiện theo phương thức: Các cơ quan quản lý đưa ra quy định gì thì yêu cầu các định chế thực hiện như thế. Điều này dễ gây ra nhiều rủi ro, nhất là trong điều kiện chất lượng và chế độ báo cáo tài chính của Việt Nam hiện nay chưa thực sự chặt chẽ. Theo chuyên gia này, đã đến lúc cần đánh giá chính xác các khoản nợ xấu tồn đọng. Bước tiếp theo là thiết kế và thực hiện một đề án xử lý nợ hiệu quả, cải tiến sự minh bạch, thêm các chế tài để buộc các DN phải minh bạch.Cho rằng, mô hình hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam cần sớm được điều chỉnh nhằm đáp ứng những yêu cầu mới, bảo đảm sự ổn định và hiệu quả của hệ thống tài chính, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn, cần phải tăng cường vai trò điều tiết và giám sát của Nhà nước. Trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, với tư cách chủ thể cơ quan quản lý, Nhà nước cần có những thay đổi trong hoạch định chính sách cho ngân hàng, thị trường vốn, cải cách ngân sách cho chính quyền địa phương nhằm tạo nguồn thu và sử dụng ngân sách một cách hiệu quả đảm bảo các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài.