Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu: Cơ chế linh hoạt cho người nghỉ hưu

Oanh Trần – Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đã có Tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi; trong đó quy định giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm. Dư luận xã hội và các chuyên gia đồng tình với việc này nhưng băn khoăn về mức hưởng lương hưu, liệu có đủ sống?

Tăng thêm cơ hội có lương hưu cho người lao động

Theo thông tin từ Bộ LĐTB&XH, đến hết năm 2020 vẫn còn khoảng 32 triệu người (66,5%) chưa tham gia BHXH. Trong khi nhiều đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia thì số lượng người hưởng BHXH một lần tăng lên nhanh chóng dẫn tới độ bao phủ BHXH tăng chậm. Như vậy, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản cả về chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.
 Người về hưu nhận lương hưu tại nhà. Ảnh: Thảo Trần
Để tăng độ bao phủ của BHXH, Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm. Nội dung này được nhiều chuyên gia đồng tình, bởi trong Nghị quyết số 28-NQ/TW Về cải cách chính sách BHXH đã đề cập đến. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, điểm mới nhân văn chính là ban soạn thảo đã đưa vào nội dung trên tinh thần mọi người dân đều được tham gia BHXH để tất cả lao động khi đến tuổi nghỉ hưu đều có lương hưu.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết: Mục tiêu giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 15 năm, tương lai 10 năm thực chất là để cho những người lao động tham gia thị trường lao động ở lứa tuổi muộn hơn (45 – 50 tuổi) được đóng BHXH để khi đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Quy định này cũng có tác dụng đối với những người trẻ tham gia BHXH được 10 – 15 năm, nếu có thay đổi việc làm thì giữ lại số năm đóng BHXH đến khi nghỉ được lĩnh lương hưu.

Những người lao động khi biết thông tin này vô cùng phấn khởi bởi nếu đề xuất này của Bộ LĐTB&XH được thông qua, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho từng người lao động được hưởng chính sách an sinh xã hội lâu dài là có hưu trí. Là công nhân gắn bó với Công ty TNHH May Hà Đông (xã Tân Hội, huyện Đan Phương, Hà Nội) đã 8 năm, chị Nguyễn Thị Hà Anh (38 tuổi), luôn cảm thấy may mắn vì công việc ở công ty khá ổn định nên 8 năm đóng BHXH vẫn giữ nguyên.
“Theo Luật BHXH hiện nay, nếu đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu, tôi phải làm việc thêm 12 năm nữa. Tôi nghĩ mình khó có thể đóng được 20 năm, do một mình nuôi 2 con ăn học rất vất vả, trang trải đủ mọi chi phí, chẳng tháng nào dư dả tài chính. Tôi định chuyển sang làm việc khác, nhận BHXH một lần lấy vốn làm ăn nuôi con. Nhưng, nếu thời hạn đóng BHXH rút xuống 10 -15 năm sẽ nhận được lương hưu, chắc tôi cũng cố đóng cho đủ số năm”- chị Nguyễn Thị Hà Anh chia sẻ.

Người lao động nên cân nhắc số năm đóng BHXH

Đồng tình với đề xuất của Bộ LĐTB&XH về giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm và tương lai 10 năm nhưng các chuyên gia và người lao động lại băn khoăn về việc mức hưởng là bao nhiêu phần trăm. Trong đề xuất của Bộ LĐTB&XH chỉ nói: Mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, theo tinh thần thực hiện Luật BHXH, đóng ít thì hưởng ít. Cơ quan ra chính sách cần tính toán cẩn thận, đảm bảo để tạo ra sự cân đối trong mức đóng và mức hưởng để dù thời gian ngắn, người lao động vẫn có thể đảm bảo được nhận mức lương hưu tối thiểu ổn định cuộc sống khi về hưu.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng có kiến nghị: Khi giảm số năm đóng BHXH tối thiểu, đơn vị soạn thảo cần tính toán đến các yếu tố đi kèm để người có thời gian tham gia BHXH thấp bị trừ tỷ lệ phần trăm ít nhất. Đặc biệt trong bối cảnh người lao động về hưu trước tuổi, có thời gian đóng BHXH ít nhất khi về hưu có mức lương đủ sống ở mức tối thiểu đối với người nghỉ hưu. Đó chính là bài toàn cần có lời giải đáp.

Bàn luận về câu chuyện giảm số năm tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, PGS.TS Giang Thanh Long – Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đây là sự linh hoạt trong hưởng lương hưu, người lao động sẽ không bị gắn vào đóng BHXH 20 năm hay 25 năm. Nhưng cơ quan soạn thảo cũng cần tính toán mức hưởng sau này bao nhiêu phần trăm - là điều quan trọng nhất. Bởi nếu sau này, mức sống tăng lên nhưng mức hưởng không đủ mức sống tối thiểu thì Nhà nước lại phải đứng ra hỗ trợ. Và, tiền hỗ trợ cho người có lương hưu thấp lại lấy từ thuế, thuế được thu từ người có thu nhập như vậy sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn.
PGS.TS Giang Thanh Long cũng khuyến cáo người lao động hết sức cân nhắc khi quyết định nghỉ hưu với số năm tham gia đóng BHXH tối thiểu vì mức hưởng sau này có đủ sống hay không chưa thể biết được bởi còn tùy thuộc vào lạm phát. Nhưng với cái nhìn lạc quan, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: Nếu người lao động về hưu có lương thấp hơn mức sống tối thiểu, Nhà nước sẽ nâng lên bằng mức này. Đặc biệt, trong những lần tăng lương hưu vừa qua, Nhà nước đều ưu tiên giải quyết cho những người có lương hưu thấp, nhất là đối tượng về hưu trước năm 1995.

Theo nhiều chuyên gia, việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu không chỉ tạo cơ chế linh hoạt trong hưởng lương hưu, mà qua đó góp phần hạn chế tối đa tình trạng nhận BHXH một lần. Bởi khi người lao động lĩnh BHXH một lần nhưng trong cuộc đời còn mấy chục năm nữa sẽ có rất nhiều việc xảy ra. Thay vì nhận BHXH một lần, người lao động cố gắng tham gia BHXH theo số năm quy định để sau này khi về già, hàng tháng sẽ được lĩnh một khoản tiền hưu đảm bảo mức sống.

Tại Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH đề xuất mở rộng độ bao phủ của BHXH bằng các giải pháp: Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng; điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.


Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH Hà Nội Dương Thị Minh Châu: Cần thiết phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội

Tôi cho rằng, cần thiết phải sửa Luật BHXH 2014 để có thêm nhiều người được hưởng lương hưu. Bởi hiện nay, Luật BHXH 2014, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện.

Do vậy, nếu không sửa Luật BHXH, những người lớn tuổi sẽ không bắt đầu tham gia. Đơn cử, Luật BHXH cần có quy định cho những người trên 60 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện. Khi đó, họ sẽ được hưởng những chính sách hưu khác, ví như thời gian đóng sẽ ngắn hơn để đảm bảo có thời gian hưởng lương hưu. Đây là giải pháp để giải quyết vấn đề người già cũng muốn tham gia BHXH tự nguyện, cũng muốn được hưởng hưu hay các chế độ BHXH khác.