Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm sức ép tỷ giá

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong 5 tháng đầu năm.

Theo tính toán của NHNN, nếu so với cuối năm 2016 thì tỷ giá tương đối ổn định (trong đó tỷ giá trung tâm tăng 1,02%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,24%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,15% so với cuối năm trước).
Kinh tế vĩ mô, lạm phát ổn định hỗ trợ tỷ giá
“Trong 5 tháng đầu năm về cơ bản ổn định, tỷ giá diễn biến phù hợp với mục tiêu điều hành của NHNN, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh (SXKD), phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Khi có điều kiện thuận lợi NHNN đã mua ngoại tệ từ TCTD để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, hệ thống các TCTD tiếp tục mua được ngoại tệ từ khách hàng”, báo cáo của NHNN cho biết.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Từ hồi đầu năm, đã có nhiều tổ chức dự báo tỷ giá sẽ tăng thêm 4% trong năm nay. “Đó là USD có khả năng mạnh lên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới. Nhiều nước sẽ hạ giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, nên sẽ tạo thêm sức ép với Việt Nam”, báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) lo ngại. Tuy nhiên, gần đây, HSBC Việt Nam dự báo tỷ giá có thể được điều chỉnh khoảng 2-3%. Con số này được đánh giá là phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trong đó dự kiến gồm tác động của việc FED tăng lãi suất.
“Phải thừa nhận rằng, trong năm nay, tỷ giá sẽ có nhiều biến động hơn trong môi trường giao dịch thương mại tiềm ẩn những rủi ro. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế vĩ mô khá tốt và ổn định, việc tỷ giá thay đổi 2% năm nay là hợp lý. Tỷ giá trong năm nay sẽ tiếp tục được kiểm soát ổn định, cho dù các áp lực từ bên ngoài có lớn đến mức nào”- ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định.
Đơn cử, một trong những yếu tố khác khiến thị trường cảm thấy lo lắng về tỉ giá là lạm phát. Một số chuyên gia nhận định, lạm phát và tỷ giá không đáng lo như dự báo, thanh khoản không gặp khó khăn, giúp việc điều hành tiền tệ của NHNN gặp nhiều thuận lợi. Đến thời điểm này lạm phát ở mức thấp. Lạm phát cơ bản tháng 5/2017 tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm 2017 tăng 1,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Lạm phát cơ bản năm qua được kiểm soát ở mức thấp và cả năm nay cũng khó có thể tăng cao.
Ngoài ra, Việt Nam còn có những nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, FII, ODA… giúp cho nguồn cung ngoại tệ dồi dào trên thị trường. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2017, cả nước đã thu hút hơn 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Để giúp tỷ giá ổn định và hỗ trợ xuất khẩu, NHNN đã thực hiện mua ngoại tệ vào làm cho nội tệ không tăng giá so với đồng USD, vừa tăng dự trữ ngoại hối, giúp NHNN có nhiều nguồn lực và công cụ để can thiệp vào thị trường khi cần thiết.
Cơ chế tỷ giá mới giảm thiểu tác động
Theo TS Vũ Đình Ánh, cơ chế tỷ giá mới góp phần giảm thiểu tác động từ thị trường thế giới. Hiện tại, NHNN đang có các biện pháp kiểm soát tỷ giá ổn định và không muốn tỷ giá tăng lên quá cao. Nếu quan sát diễn biến thị trường, có thể thấy rõ điều này, mỗi khi tỷ giá có dấu hiệu tăng lên, NHNN sẽ có hành động can thiệp, nhưng chủ yếu có xu hướng để thị trường tự cân đối lại. Công tác điều hành tỷ giá cũng được gắn kết chặt chẽ với điều hành thị trường nội tệ, đặc biệt là lãi suất, từ đó góp phần ổn định thị trường ngoại hối.
Cùng với đó, lòng tin của thị trường vào đồng Việt Nam tăng lên, tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm xuống đáng kể. NHNN thường xuyên trao đổi thông tin qua phương tiện đại chúng và các thành viên thị trường, qua đó giúp thị trường hiểu rõ hơn định hướng điều hành tỷ giá. Thông qua định hướng của NHNN, người dân và các DN có thể yên tâm về sự ổn định của tỷ giá và tiền đồng.
Vừa qua, có thời điểm bố tỷ giá trung tâm là 22.403 đồng/USD, vượt 22.400 đồng. Tuy nhiên, tại các NHTM, tỷ giá khá ổn định, không tăng. Lý giải cho hiện tượng này, TS Ánh phân tích, thực ra, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá biến động hằng ngày bởi tỷ giá trung tâm sẽ được xác định trên cơ sở diễn biến của 3 yếu tố chính: Diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng ngày hôm trước; Diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam; Các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Do đó, tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt hàng ngày (có tăng, có giảm) theo sát diễn biến thị trường trong, ngoài nước và là cơ sở tham chiếu cho các NH. Còn tỷ giá tại các NH còn phụ thuộc vào nguồn cung cầu, giá mua - bán ngoại tệ phụ thuộc vào mức độ thanh khoản ngoại tệ của từng ngân hàng. Điều này cho thấy cung- cầu tương đối ổn định.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm, NHNN đã theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để từ đó công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày phù hợp. Nếu so với cuối năm 2016 thì tỷ giá tương đối ổn định (trong đó tỷ giá trung tâm tăng 1,02%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,24%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,15% so với cuối năm trước), nhu cầu ngoại tệ được đảm bảo thông suốt.
Về định hướng điều hành tỷ giá thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, với chủ trương từng bước chống đôla hóa trong nền kinh tế, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định, linh hoạt, không để tỷ giá biến động lớn gây tâm lý bất ổn trên thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà xuất khẩu, nhập khẩu, quan hệ vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, Chính phủ; đồng thời tiếp tục xem xét, xử lý các nhu cầu vay vốn ngoại tệ ngắn hạn một cách hợp lý để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong và ngoài nước để kịp thời, chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp, với thời điểm, liều lượng hợp lý, góp phần ổn định cân đối vĩ mô của nền kinh tế và đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ”, bà Hồng nhấn mạnh.