Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi công điện yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Nội dung công điện như sau, thời gian qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các Ban, Bộ, ngành, chính quyền các cấp đã chỉ đạo triển khai kịp thời, đồng bộ, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong việc tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn, an ninh trật tự tại di tích và tổ chức lễ hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn, tập trung đông người, còn bộc lộ những bất cập, cần có ngay các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Để tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho du khách, phát huy giá trị truyền thống văn hóa của các lễ hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây: 

1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tiếp tục thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 tháng 1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị (khoá X) về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Giảm tần suất tổ chức lễ hội, ngày hội, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội, ngày hội phải chịu trách nhiệm về kế hoạch, chương trình, nội dung, quy mô, tần suất, thời gian tổ chức; bảo đảm việc tổ chức lễ hội, ngày hội tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương. 

3. Hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, ngày hội. Không truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lạm dụng truyền hình trực tiếp để huy động tài trợ cho việc tổ chức lễ hội, ngày hội.

4. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, lưu thông tiền tệ, đặc biệt là tại các di tích, công trình tín ngưỡng, tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội. Quản lý việc đặt tiền lễ, tiền giọt dầu bảo đảm văn minh, tiết kiệm, hợp lý. Nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch, đặc biệt là trong khuôn viên di tích và lễ hội. Việc tu bổ, tôn tạo di tích; cung tiến, tiếp nhận đồ cung tiến vào di tích, công trình tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm:

a) Sơ kết, tổng kết kịp thời việc thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

b) Tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền phân công Lãnh đạo cấp Trung ương tham dự lễ hội khi cần thiết.

c) Hướng dẫn nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội.

d) Thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội. 

6. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội.  Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện Công điện này; không sử dụng thời gian làm việc, phương tiện xe công đi lễ hội, trừ trường hợp được phân công thực thi nhiệm vụ.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân dân, Đài Tuyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền nội dung Công điện này. 

8. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Công điện này; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

9. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan theo dõi việc thực hiện nội dung Công điện này và Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2011, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.