Số vụ tai nạn lao động nhiều hơn báo cáo
8.956 vụ TNLĐ làm 9.173 người bị nạn, trong đó có 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng đã xảy ra trên toàn quốc trong năm 2017. Lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng có số vụ TNLĐ chết người nhiều nhất. Nhiều nguyên nhân được Bộ LĐTB&XH chỉ ra, trong đó trên 45% là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện an toàn lao động hoặc thực hiện chưa đầy đủ cho NLĐ. Theo GS.TS Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam, số liệu TNLĐ do Bộ LĐTB&XH công bố không phản ánh hết bức tranh TNLĐ và bệnh nghề nghiệp ở nước ta hiện nay. “Thực tế, số TNLĐ cao hơn vì có nhiều vụ chủ sử dụng lao động không báo cáo với cơ quan quản lý khi xảy ra sự việc. Chủ DN đã thỏa thuận với người lao động (NLĐ) và bồi hoàn một khoản tiền để họ im lặng hoặc nói tránh đi, như bị tai nạn giao thông” – ông Trình nhận định. Ông Trình cũng khẳng định, công tác huấn luyện ATVSLĐ tại DN đang có vấn đề. Nhiều DN huấn luyện những nội dung theo sách, giải pháp chung chung, mà không cụ thể vào đơn vị mình. Trong khi đó, các giảng viên ATVSLĐ lại “biểu diễn kiến thức” hơn là “truyền đạt kiến thức” mà không cần biết người nghe muốn gì và tiếp thu được gì. Như thế, những NLĐ xuất thân từ làm nông chuyển sang lĩnh vực công nghiệp rất khó tiếp nhận được thông tin để thực hiện quy chuẩn an toàn lao động trong làm việc.Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều DN thực hiện giải pháp về điều kiện và môi trường làm việc vẫn còn mang tính hình thức và đối phó. Chẳng hạn, khi NLĐ làm việc ở công trường xây dựng phải được trang bị giầy, ủng chống vật rơi xuyên đâm, nhưng họ chỉ được phát vật dụng bình thường, dây đai an toàn được mua trôi nổi trên thị trường không qua kiểm định. Trên các công trình, cầu dao điện được đóng rất sơ sài, dây điện đấu nối không đúng kỹ thuật, đường điện chạy lung tung dẫn đến nguy cơ TNLĐ cao.DN tự kiểm tra, công đoàn giám sátĐể giảm thiểu số vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng và các ngành khác, các chuyên gia lao động đề nghị nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ một cách thực chất. “Mấy năm nay, tôi thấy khá nhiều khóa huấn luyện ATVSLĐ không đáp ứng được thời gian nhà nước quy định 16 giờ tối thiểu và 8 giờ huấn luyện định kỳ. Thậm chí có nơi chỉ tổ chức một buổi cho cả NLĐ mới và cũ” – ông Vũ Như Văn – nguyên quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH cho biết. Vì thế, trong công tác huấn luyện ATVSLĐ phải đi sâu và hướng dẫn cho NLĐ biết cách nhận thức và thấy rõ được những nguy hiểm để phòng ngừa TNLĐ. Thường xuyên thanh, kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nay cả nước có chưa đến 500 thanh tra lao động trong khi số DN lên tới 800.000. Vì thế, ông Trình đề nghị nâng chế tài xử phạt nặng hơn quy định hiện hành, thậm chí đóng cửa nhà máy để các chủ sử dụng lao động phải tuân thủ quy định an toàn lao động. Trong bối cảnh lực lượng thanh tra mỏng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng gợi ý, giải pháp tốt nhất là DN tự kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ theo bộ tiêu chí của Bộ LĐTB&XH, trong đó có sự tham gia của tổ chức công đoàn. Như thế người sử dụng lao động sẽ tự giác thực hiện bền vững hơn so với đoàn thanh tra đến kiểm tra và nhắc nhở họ. Không chỉ thế, hàng ngày, Công đoàn cơ sở thực hiện giám sát độc lập, khi phát hiện trong DN có nguy cơ xảy ra TNLĐ có thể báo cáo với chủ DN, nếu họ không khắc phục thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Hy vọng bằng cách thanh tra trực tiếp, tự kiểm tra của DN, giám sát của tổ chức Công đoàn và trên hết là ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động, tình trạng DN vi phạm pháp luật về ATVSLĐ sẽ được giảm thiểu.Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng |