Vì liên quan đến chính sách kinh tế, trực tiếp ảnh hưởng đến DN và người lao động nên đã có rất nhiều những ý kiến thẳng thắn, nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại của 2 luật thuế này.
Thuế thu nhập DN: Vẫn cao so với khu vực
Lộ trình giảm thuế TNDN là từ năm 2014 mức thuế suất phổ thông sẽ là 22% và đến 1/1/2016 giảm về 20%. Với DN nhỏ và vừa (có dưới 200 lao động và tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng mức thuế suất 20% ngay từ 1/7 tới và giảm xuống còn 17% từ đầu năm 2016.
Phân xưởng may hàng xuất khẩu tại Công ty May 10.Ảnh: Huy Hùng
Theo ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh), mức thuế 22% đã giảm 3% so với quy định hiện hành nhưng thực tế vẫn chưa tạo đà cho các DN đi lên trong giai đoạn nhiều đơn vị "ngập sâu" trong khủng hoảng. So sánh với các nước trong khu vực, ông Lịch cho rằng, mức thuế theo Dự thảo vẫn cao so với các quốc gia lân cận. Hiện các quốc gia và vùng lãnh thổ gần Việt Nam đều để thuế thu nhập DN ở mức thấp để nuôi dưỡng nền kinh tế như Singapore và Đài Loan cùng có mức thuế là 17%, HongKong là 16,5% hay Thái Lan cũng mới giảm mức thuế này về 20% từ đầu năm nay. Vì vậy, ông Lịch kiến nghị, để DN thực sự có điều kiện tái cơ cấu đầu tư, xử lý hàng tồn kho thì mức thuế suất phổ thông nên giảm xuống 20%.
Ý kiến này của ông Lịch cũng được các ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) đồng tình. Về mức thuế ưu tiên với DN nhỏ và vừa, một số ĐB còn băn khoăn về tiêu thức, ngưỡng xác định. ĐB Nguyệt Hường phân tích, giả sử nếu DN thu 20 tỷ đồng, sử dụng lao động 200, tính ra lương của một người lao động chưa được 1 triệu đồng, vậy thì với những DN này lấy đâu ra nguồn thu để nộp thuế. Nếu căn cứ theo tiêu chí trong Dự thảo thì rất ít DN được hưởng ưu đãi của Nhà nước, do đó nên thiết kế lại. "Chỉ nên lấy một trong hai tiêu chí là doanh thu hoặc số lao động chứ không cần phải cả 2" - ĐB Nguyễn Hồng Sơn bổ sung.
Một vấn đề nóng khác được nhiều ĐB kiến nghị là những quy định về mức khống chế với chi phí quảng cáo, khuyến mãi. So với luật hiện hành, dự luật lần này đã điều chỉnh mức khống chế chi phí trên từ 10% lên 15% và bỏ các khoản chi như chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng ra khỏi danh sách khống chế mức chi.
Tuy nhiên, theo ĐB Trần Du Lịch, việc "trói" DN bằng chi phí quảng cáo vẫn là điểm mấu chốt khiến các đơn vị không tiếp cận được thị trường. Việc giữ quy định như hiện hành khiến DN có sức ì vì họ thấy không được trừ chi phí quảng cáo nên sẽ quảng bá yếu ớt và ít khuyến mãi kích cầu". ĐB Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) đề xuất, nên tính 15% trên doanh thu và ngành chứ ko trên chi phí. Và cũng thống nhất với ý kiến của ĐB Trần Du Lịch là tương lai dài hạn không khống chế quảng cáo để tăng sự cạnh tranh. Nguyên tắc sửa đổi luật vẫn được quán triệt là phải khắc phục được nhược điểm luật đã ban hành, cụ thể, đơn giản và dễ hiểu" - ông Hùng nói.
Kéo dài thời gian ưu đãi thuế VAT cho nhà ở xã hội
Lần sửa đổi này, Luật Thuế GTGT vẫn giữ 3 mức thuế suất 0%, 5% và 10%. Theo các ĐB nếu cứ theo lộ trình này, sau khi thực hiện các thuế suất 2 - 3 năm thì sẽ phải sửa đổi Luật để thực hiện tiếp lộ trình. Ngoài ra, để bảo đảm tính minh bạch, hạn chế khả năng "lách luật" và tạo thuận lợi áp dụng trong khi vẫn giữ các mức thuế suất này cần quy định rõ các tiêu chí cụ thể của các nhóm chịu thuế suất 5% và 10%. Bởi vậy, một chính sách thuế hợp lý, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường hạch toán kế toán, mang lại lợi ích cho cả DN và ngân sách Nhà nước.
Một trong số những sửa đổi được chú ý lần này là giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với các hợp đồng bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, và nhà là căn hộ hoàn thiện có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, áp dụng từ 1/7/2013 đến 30/6/2014.
Theo các ĐB, thời gian thực hiện chỉ trong 1 năm thì tác động của chính sách là hạn chế và thiếu đồng bộ với các chính sách khác (gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng được thực hiện trong thời hạn 3 năm). Do vậy, đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31/12/2014 (thực hiện từ 1/7/2013 đến hết 31/12/2014).
Trong khi đó, theo phân tích của ĐB Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội), cuối năm 2012 cả nước tồn 21.000 căn hộ chung cư, hơn 5.000 căn hộ thấp tầng, tồn hơn 140.000 tỷ đồng. Nếu theo tiêu chí đưa ra 70m2 sàn 1 căn hộ và có giá dưới 15 triệu thì DN muốn bán được hàng phải làm lại để đưa diện tích căn hộ xuống 70m2, khi đó chi phí đội lên và không thể có giá dưới 15 triệu đồng trở xuống, như vậy sẽ khó khả thi. Vả lại, nếu chia nhỏ ra để bán được giá thấp hơn 15 triệu/m2 có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc; làm tăng mật độ dân cư, ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Nếu thiếu các giải pháp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá toàn diện trước khi ban hành chính sách này.