Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm thuế - tăng niềm tin

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp toàn ngành thuế tổ chức ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành thuế sớm có kế hoạch giãn thuế, hoãn, chậm nộp thuế với DN khó khăn do dịch Covid-19 để tạo điều kiện và nguồn lực cho DN vượt qua thời điểm khó khăn.

Làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Đây là tin mừng cho cộng đồng DN vì trước đó, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN phải "kêu trời" bởi tình trạng kinh doanh ế ẩm, doanh thu không đủ bù chi phí. Rất nhiều DN bày tỏ mong muốn cơ quan thuế nên xem xét mức nộp thuế phù hợp để hỗ trợ người nộp thuế. Trước đó, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng như khẩu trang, nguyên liệu làm khẩu trang, nước rửa tay… để triển khai chủ trương miễn thuế cho một số mặt hàng phục vụ công tác chống dịch. Tuy vậy, việc miễn giảm trên là chưa đủ do trong bối cảnh hiện nay hàng loạt ngành hàng, DN lớn nhỏ đều gặp khó khăn.
Đơn cử như đối với các hộ kinh doanh thuộc các ngành dịch vụ như du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn... Thông thường, mức thuế khoán năm sau thường cao hơn năm trước 3 - 5%, thậm chí một số nơi, lĩnh vực lên tới 20 - 25%. Doanh thu chắc chắn giảm mạnh do dịch cúm vì thế nếu thuế khoán năm nay được áp ở mức cao hơn mức thu của năm 2019 là rất vô lý.
Chủ trương đã có, song quan trọng là thực thi thế nào. Thông thường việc giãn, hoãn và trình ra Quốc hội kỳ họp giữa năm đề xuất miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế và phí phải nộp của DN ở những ngành lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, mong mỏi của các DN là cơ quan thuế nên sớm đánh giá mức độ thiệt hại của DN và hộ kinh doanh, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách, loại thuế nào cần giảm, phương án giảm... nhằm hỗ trợ kịp thời. Không nên chờ hết 6 tháng mới đánh giá lại, bởi nhiều DN như đang “ngồi trên đống lửa” vì doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, trong khi áp lực về đủ các loại thuế là rất lớn.
Cũng có ý kiến cho rằng giảm thuế thu nhập DN để cứu DN, song điều này chỉ có ý nghĩa nếu DN có lãi, trong khi DN chưa chắc đã có lãi thì lấy gì để nộp thuế thu nhập DN. Do đó, bên cạnh các chính sách về thuế, cần kịp thời cắt giảm các chi phí kinh doanh đầu vào cho DN như có thể tính toán giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các DN chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19. Giảm các loại phí hải quan, phí lưu kho lưu bãi... Tạm thời không thu một số loại phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính. Thậm chí, chưa tăng hoặc giảm các loại giá các dịch vụ và giá vật tư đầu vào cho sản xuất, kinh doanh do nhà nước quản lý. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho DN trong hoạt động thông quan hàng hóa để loại bỏ chi phí không chính thức của DN.
Diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh Covid-19 đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá rất sát sao, kịp thời đưa ra giải pháp. Ngân sách gặp khó khăn nhưng cần phải xác định ưu tiên lúc này là chống dịch bệnh. Phải cân đối nguồn lực để có những giải pháp kịp thời, đúng đối tượng và đủ liều lượng để chia sẻ khó khăn, tạo niềm tin với người dân và DN.