Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao dịch Mobile Money: Thách thức bảo mật, an toàn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với ví điện tử, dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money) đang được Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xúc tiến để triển khai rộng khắp tại Việt Nam. Cơ hội mang lại từ Mobile Money là không phải bàn cãi, song đây cũng là thách thức trong việc đảm bảo an toàn giao dịch, bảo mật thông tin, phòng chống tội phạm công nghệ cao…

Người tiêu dùng dễ dàng thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ví điện tử qua thiết bị di động. Ảnh: Thanh Hải
Hoạt động như ví điện tử
Mobile Money bản chất là eMoney, là ví điện tử, khách hàng có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị di động được kết nối Internet mà không phải chuyển tiền, tiền mặt hoặc quẹt thẻ. Theo Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động, chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động…
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết về an toàn bảo mật, trên thực tế hành lang pháp lý NHNN đã có các Thông tư quy định liên quan đến vấn đề giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng. Từ năm 2017, NHNN có Quyết định 1630 triển khai các giải pháp an toàn bảo mật trong hoạt động thanh toán.

Mobile Money là phương thức thanh toán phổ biến nhất được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Các chuyên gia kỳ vọng Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Việc thanh toán qua điện thoại, bằng thẻ cào điện tử sẽ buộc các nhà kinh doanh phải giảm giá thành, hạ phí sử dụng và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ nhiều hơn.

Hiện MobiFone, Viettel, Vinaphone đều sẵn sàng cho hoạt động thanh toán Mobile Money. Ngày 4/4/2019 NHNN đã trình Thủ tướng về phương án cho các DN viễn thông thí điểm Mobile Money và Thủ tướng đã yêu cầu xin ý kiến các bộ và đang được NHNN tiến hành. Nếu Thủ tướng đồng ý, Vinaphone và Viettel có thể tham gia ngay. Hạn mức thanh toán dự kiến cho Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng, tương đương 400 USD, trong khi ở các nước khác trung bình khoảng 206 USD/tháng.

Đảm bảo an toàn, tương thích đồng bộ

Các chuyên gia thừa nhận, cơ hội mang lại từ Mobile Money là không phải bàn cãi, song đây cũng là thách thức trong việc đảm bảo an toàn giao dịch, bảo mật thông tin… Bởi vậy, những giải pháp, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao đòi hỏi tiếp tục được tăng cường, thường xuyên cập nhật. Bên cạnh đó, cũng có băn khoăn cho rằng, nếu không liên kết với ngân hàng, nguy cơ cho vấn đề rửa tiền hay tiền phạm pháp là có thể xảy ra.

Mặt khác, TS Cấn Văn Lực nhận xét, thị trường hiện có khá nhiều giải pháp kỹ thuật và nền tảng trung gian thanh toán cho điện thoại. Các yếu tố và giải pháp công nghệ mới như NFC, Cloud, sử dụng API (giao diện lập trình ứng dụng) trong các dịch vụ tài chính chưa thực sự phổ biến mạnh mẽ tại Việt Nam. Hơn hết, nếu muốn người dân Việt Nam có thể thanh toán bằng điện thoại ở mọi nơi với những giá trị nhỏ nhất như bãi đỗ xe, cửa hàng tạp hoá… thì đồng nghĩa với việc các điểm thanh toán cũng phải phát triển theo.

Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) chia sẻ, các bộ luật của Việt Nam chưa đề cập tới Mobile Money với định nghĩa cụ thể. Nhưng có thể xem xét dịch vụ Mobile Money gần với ví điện tử (đã được quy định tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP). Điều quan trọng là tài khoản định danh e-money phải được lưu trữ trên hệ thống, tránh rủi ro mất tiền khi người dùng bị mất điện thoại. Về nguyên tắc, Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ, công ty viễn thông sẽ nhân được số tiền tương ứng số tiền mà khách hàng nạp vào theo tỷ lệ 1:1.

Đại diện Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, thách thức lớn nhất với các nhà mạng là kho dữ liệu khách hàng phải chính xác, phải làm xác thực như ngân hàng, tránh mạo danh... Quyền lợi của khách hàng khi sử dụng Mobile Money cũng phải được đảm bảo. NHNN dự kiến quy định, tổng số dư của Mobile Money phải tương ứng với số dư công ty ví ấy gửi đảm bảo tại ngân hàng và chỉ sử dụng tài khoản đảm bảo ấy cho mục đích sử dụng ví. Công ty Mobile Money có thể thua lỗ, phá sản, tiền khách hàng nạp vào ví vẫn được đảm bảo ở ngân hàng.