Mắc kẹt tại điểm du lịch
Mùa mưa lũ nước ta thường diễn ra từ tháng 6 - 10 hàng năm. Đây cũng là thời gian cao điểm của mùa du lịch ở miền Bắc. Năm nay, mới đầu mùa mưa nhưng liên tiếp nhiều khu vực tại các tỉnh Hà Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã có những ngày bị chìm trong biển nước.
Tại Hà Giang, mưa lớn kéo dài từ ngày 9 - 10/6 khiến nước lũ tràn về bất ngờ. Nhiều tuyến giao thông chính bị chia cắt do ngập nước và đất đá tràn xuống chắn lối đi, một số cầu cống bị hư hại.
Mưa lũ đã khiến 3 người chết, 281 xe máy và 91 ô tô bị ngập nước, hàng chục nghìn mét khối đất, đá sạt lở trên các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ đến đường liên thôn, liên xã. Tổng thiệt hại do mưa lũ tại Hà Giang ước tính 61 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Giang, đợt mưa lũ vừa qua tại Mèo Vạc ghi nhận số du khách bị mắc kẹt do mưa lũ lớn nhất, lên đến khoảng 1.000 người. Lực lượng CSGT ở Hà Giang đã xuyên đêm giải cứu và đưa du khách đến nơi an toàn.
Trước đó, mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 8 - 9/6 kết hợp với triều cường cũng khiến hàng loạt khu phố, tuyến đường tại Hải Phòng, Quảng Ninh ngập sâu cả mét.
Tại Hải Phòng, các điểm nóng ngập lụt như An Đà, Đình Đông, Bốt Tròn, Tô Hiệu, Lê Lợi, Cầu Đất, đường 5, chân cầu Bính…, việc di chuyển gần như tê liệt. Người dân và du khách hoặc sơ tán theo sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, hoặc chôn chân tại chỗ chờ nước rút.
Tại tỉnh Quảng Ninh, mưa lớn cũng khiến nhiều khu dân cư, tuyến phố tại TP Uông Bí, huyện Tiên Yên, thị xã Quảng Yên ngập sâu trong nước. Một số dòng sông tại TP Móng Cái, huyện Ba Chẽ, huyện Tiên Yên, huyện Hải Hà… xuất hiện lũ.
Thông tin tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng thuỷ văn Hoàng Đức Cường cho biết, các tháng cuối năm 2024, dự báo biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan, khiến thiên tai diễn biến phức tạp, nhất là mưa, bão, lũ, ngập lụt.
Mưa lớn sẽ xuất hiện chính ở khu vực Bắc Bộ tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 7 - 9 và từ cuối tháng 9 - 11 ở khu vực Trung Bộ.
Năm nay, cơ quan khí tượng cũng dự báo có khoảng 11 - 13 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Lượng mưa 6 tháng cuối năm được dự báo xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.
Mưa lớn cục bộ với cường suất lớn từ 50 - 100mm trong 3 - 6 giờ có khả năng xuất hiện nhiều trong thời gian tới, đề phòng sạt lở. Do vậy, giao thông trong giai đoạn mưa lũ và khi du lịch đến các địa phương khác là điều người dân và du khách không thể chủ quan.
Nâng cao tính chủ động
Du lịch vào mùa mưa bão thường tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Theo các chuyên gia, tình hình thời tiết cực đoan đòi hỏi du khách phải thận trọng trong mỗi chuyến đi. Cần chủ động kiểm tra tình hình thời tiết, thông tin du lịch, giao thông để có phương án bố trí ăn nghỉ, di chuyển phù hợp.
Khi đến các địa phương không quen thuộc, du khách cần tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng. Không tự ý đi vào những khu vực nguy hiểm, đã được cảnh báo. Cẩn thận khi tham gia giao thông, giảm tốc độ khi trời mưa lớn, qua các khu vực sạt lở hoặc sương mù.
Du khách nên tránh đi leo núi bởi vào mùa mưa lũ đường thường trơn trượt, sạt lở đất gây nguy hiểm. Du khách cũng không tắm suối, sông, bởi nước dâng bất ngờ hoặc lũ về rất dễ bị cuốn trôi.
Trước khi đi du lịch, du khách nên theo dõi dự báo thời tiết để nắm được tình hình tại khu vực muốn đến. Tránh đi du lịch vào những ngày có mưa lớn, lũ quét hoặc bão.
Hiệp hội Du lịch các tỉnh cần phối hợp với địa phương và lực lượng chức năng để cập nhật tình hình giao thông, các thông tin ở địa phương để cảnh báo kịp thời cho người dân và khách du lịch, nhất là trong thời điểm thời tiết cực đoan, bất lợi.
Ưu tiên lựa chọn những điểm du lịch có độ cao an toàn, tránh những khu vực trũng, thấp, dễ bị ngập lụt. Mang theo quần áo mưa và các vật dụng cần thiết để đảm bảo nhu cầu tối thiểu và sự an toàn cho bản thân.
Nên thông báo cho người thân về lịch trình di chuyển chi tiết để có thể liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sự an toàn cho du khách và sự phát triển bền vững của du lịch, chính quyền địa phương cần triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Cảnh báo người dân và du khách về tình hình thời tiết bất thường.
Lực lượng chức năng phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.
Khuyến cáo người dân, chủ phương tiện khi di chuyển qua đoạn tuyến nguy hiểm cần phải theo dõi, quan sát và chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.