Từ phòng giáo dục, BGH “đi thăm lớp”
Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ dạy và học là nội dung quan trọng, thường xuyên trong công tác quản lý giáo dục. Khi triển khai học trực tuyến, công tác này càng được tăng cường, đẩy mạnh nhiều hơn. Qua khảo sát được biết, đầu, giữa, trong và cuối tiết học, BGH đều có thể đột xuất kiểm tra các lớp. Với khối tiểu học, ngoài BGH nhà trường còn có cán bộ, chuyên viên phòng Giáo dục kiểm tra để nắm tình hình chung và kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở những tồn tại (nếu có).
Nói về thực tế công tác kiểm tra tại trường mình, Hiệu trưởng một trường Tiểu học tại huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết: “Ngày nào tôi cũng “vào” các lớp kiểm tra. Hôm khai giảng, tôi “vào” xem giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt, dặn dò HS thế nào. Ngày 6-7/9, mục đích chính của tôi “vào” là để khảo sát đường truyền mạng của các lớp có xem ổn định không. Từ 8/9 đến nay, tôi kiểm tra tình hình học tập của HS như thế nào; vào lớp đầy đủ, đúng giờ không; có bật cam không, giáo viên dạy như thế nào? Trước đây công tác dự giờ thường theo kế hoạch nhưng hiện, việc kiểm tra đột xuất giờ học là bình thường và đã được phổ biến kỹ để các giáo viên nắm được. Việc có mặt tại phòng học online không gây mất thời gian hay xáo trộn gì; các giáo viên, HS cũng đã quen”.
Khẳng định việc đi “thăm” lớp là nhiệm vụ bắt buộc của BGH, Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ: “Buổi sáng tôi đi “thăm” trung bình khoảng 10 lớp, mỗi lớp có thể vài phút, có thể lâu hơn. Trường dùng phần mềm Microsoft Team nên BGH vào lớp, giáo viên cũng ít nhận ra. Khi vào “thăm” lớp, tôi sẽ quan sát xem các HS đã bật cam hết chưa, có mặt đầy đủ không, có hăng hái phát biểu và hào hứng với tiết học không? Với giáo viên, tôi nghe giảng với tư cách như một HS, chú ý đến các yếu tố như giọng nói, âm điệu, cách thức giảng dạy, tư liệu bài học…. Sau mỗi lượt “thăm”, tôi ghi chép cẩn thẩn, chi tiết tình hình cô- trò từng lớp; sau đó cuối giờ, với những trường hợp cần lưu ý, tôi có thể gọi điện, nhắn tin góp ý riêng để giáo viên chỉnh sửa, khắc phục giúp hoàn thiện hơn về bản thân, về tiết học. Với những gì tốt, tôi động viên, khích lệ để các cô phát huy…. Cách làm của tôi nhận được phản hồi tích cực của giáo viên và rõ ràng, tôi thấy các giáo viên của tôi có sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn sau khi được góp ý”.
Với vai trò là giáo viên đứng lớp, cô Nguyễn Thị Hoài Anh (quận Hoàng Mai) cho biết, khi vào tiết học, cô thường “say” giảng bài nên thậm chí còn không biết BGH “thăm” lúc nào. Hầu hết giáo viên đều ý thức rõ việc “thăm” lớp thuộc về công tác quản lý của BGH để đảm bảo quy củ, nền nếp, chất lượng giáo dục nói chung. Tuy nhiên, cô Hoài Anh cũng từng nghe đồng nghiệp phàn nàn về việc bị BGH “góp ý” hơi nặng lời nên cũng có chút suy nghĩ. Nhưng rồi, sau lần đấy, đồng nghiệp của cô đã cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để bài giảng hấp dẫn và không mắc lỗi nữa.
Đến phụ huynh "dự giờ"
Với HS tiểu học, đặc biệt là HS lớp 1, lớp 2 thì việc đồng hành của phụ huynh là hàng ngày, hàng tiết. Các cô giáo luôn mong muốn sự giúp đỡ, hỗ trợ của phụ huynh. Nếu không có sự hỗ trợ đó, chắc chắn việc dạy học trực tuyến với lớp 1, lớp 2 sẽ không hiệu quả, có lúc còn khó tổ chức vì không ít HS hiếu động, không chịu ngồi học, không hợp tác với giáo viên ở những buổi đầu tiên. Còn với HS cấp THCS, THPT, tuy đã tự giác ngồi học online nhưng cũng có gia đình, cả nhà cùng nhau ngồi học, ngồi làm ở một phòng nên cũng xảy ra những tình huống “khó đỡ”.
“Có hôm vừa vào lớp đã nghe thấy một phụ huynh nhận xét “cô già thế”; hôm khác có vị lại bảo “cô dạy linh tinh” hoặc “dạy gì mà lắm!”. Những âm thanh đó vô tình lọt đến tai cô bởi HS sơ ý chưa tắt mic nhưng quả thật khiến cô rất chạnh lòng”- cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên trường tiểu học thuộc huyện Thanh Trì kể lại và cho biết thêm, cũng có HS đang ngồi học thì khách đến chơi, bố vô tư cởi trần đi qua màn hình hoặc mẹ cho em bé ăn, em khóc rất lớn... Những tình huống này đều ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu bài của HS.
Hay như chia sẻ của cô Đỗ Ngọc Linh, giáo viên THCS thuộc quận Tây Hồ thì: “Ban đầu, tôi khá e ngại khi có phụ huynh ngồi cùng bởi không hiểu tiết dạy của mình có “vừa tai” phụ huynh không; bài giảng của mình có ổn không? Áp lực hơn nữa là khi dạy HS có bố mẹ học cao, hiểu rộng, vô hình trung khiến sự tự tin của cô giảm đi đôi phần. Nhìn ở chiều ngược lại, khi có phụ huynh ngồi cạnh, tôi phải chú ý hơn về cả ngôn từ, nội dung bài lẫn diện mạo của mình. Để an toàn, trước mỗi giờ lên lớp, tôi cố gắng chỉn chu hơn ở bài giảng, trang phục để nếu phụ huynh có “ngó” vào màn hình thì cũng không có nhận xét gì tiêu cực về cô giáo”.
Nhìn chung, rất khó tránh việc này việc khác khiến giáo viên phải suy nghĩ khi dạy online nhưng rõ ràng ở một khía cạnh nào đó, các “vị khách” có vai trò giúp giáo viên rèn luyện tính cẩn thận, bản lĩnh, tự tin và trách nhiệm hơn với các tiết dạy. Và bởi đó là yêu cầu của công việc nên dù có áp lực nhưng đa số thầy cô giáo đều cho rằng mình phải cố gắng để thích ứng và phù hợp với hoàn cảnh…