Kinhtedothi - Hàng loạt quy định tại các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng đang “thêm việc” không cần thiết cho DN, nhiều giấy phép con không phù hợp, thậm chí trái với các quy định vẫn đang “làm khó” hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vàng… đó là những khó khăn, vướng mắc đã được Hiệp hội Kinh doanh Vàng nêu ra tại văn bản số 27/2016/CV-HHV gửi Thủ tướng Chính phủ. Tại đây, Hiệp hội Vàng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát lại và bãi bỏ những loại giấy phép con trái với quy định. Thông tư diễn giải sai lệch Nghị định? Văn bản của Hiệp hội Vàng cho biết, theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, để được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, DN phải có sổ thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế), có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Tuy nhiên, theo Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 38/2016/TT-NHNN diễn giải sai lệch nội dung của Nghị định 24. Theo đó, thông tư này yêu cầu DN phải đăng ký địa điểm Chi nhánh, địa điểm kinh doanh chờ NHNN xem xét, cũng như mỗi khi điều chỉnh phải xin phép. “Trong khi đó các tiêu chí xem xét hoàn toàn không được công khai, không đúng thời gian giải quyết hồ sơ theo thủ tục hành chính mà NHNN quy định, gây tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian cho các DN” - văn bản của Hiệp hội vàng nhấn mạnh. Ngoài ra, mặc dù đã yêu cầu giấy xác nhận nộp thuế của cơ quan thuế nhưng Thông tư 38/2016/TT-NHNN còn bổ sung thêm hạng mục báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề trước đó. Điều này trong hồ sơ mà Nghị định 24 không quy định. Điều 5 Nghị định quy định DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được NHNN Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, Thông tư 38/2016/TT-NHNN đã yêu cầu thêm “bản kế hoạch dự kiến thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ” vốn thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học Công nghệ là không phù hợp. Đồng thời, các tiêu chí xét duyệt hồ sơ hoàn toàn không rõ ràng thế nào là đạt, dễ dẫn đến nguy cơ thiếu minh bạch, nhũng nhiễu đối với DN. Thông tư này cũng bổ sung thêm yêu cầu đối với hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong khi Nghị định 24 quy định “NHNNN xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ”.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet. |
Kiến nghị cho phép DN vàng được vay vốn Cũng tại văn bản này, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị bãi bỏ quy định DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 33/2011/TT-NHNN của NHNN. Thực tế, trong hơn 4 năm qua chưa có DN nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc NHNN xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Trên thực tế, vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường không thuộc đối tượng hạn chế kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu NHNN hạn chế quyền vay vốn của DN thì sẽ trái với tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, đó là nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh. Hơn nữa theo Luật Đầu tư 2014, hoạt động vay vốn tín dụng phục vụ SXKD trang sức, mỹ nghệ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định về điều kiện huy động vàng đối với các DN, do đó hoạt động huy động vàng của các DN được điều chỉnh theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, Luật doanh nghiệp 2014 và Bộ Luật Dân sự 2005. Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, việc DN vay vàng của các tổ chức, cá nhân không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa hoạt động này cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24. Bởi các DN chỉ vay vàng để làm vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, chứ DN không cho vay lại, không thu phí giữ hộ. Như vậy, hoạt động vay vàng của DN chỉ là một công đoạn của quá trình SXKD vàng trang sức, mỹ nghệ và nó không phát sinh lợi nhuận. Vì vậy, VGTA đề nghị NHNN và Bộ Tư Pháp không nên coi hoạt động huy động vàng của các DN là hoạt động kinh doanh vàng khác để áp đặt DN phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, VGTA cho rằng Nghị định 24/2010 quy định khái niệm “hoạt động kinh doanh vàng khác” chung chung nhưng lại có sức hạn chế vô cùng lớn. Những quy định hiện nay về điều kiện kinh doanh vượt thẩm quyền. Chẳng hạn, mạng lưới chi nhánh, điểm bán hàng nếu từ 3 điểm trở lên là đủ điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Thế nhưng Thông tư 16 và Thông tư 18 đề nghị DN phải đăng ký địa điểm chi nhánh, địa điểm kinh doanh chờ NHNN xem xét cũng như mỗi khi điều chỉnh phải xin phép, trong khi đó các tiêu chí xem xét hoàn toàn không được công khai, không đúng thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục. Điều này gây cản trở hoạt động của DN khi không được quyền mở rộng quyền tự do mở rộng hoặc thu hẹp mạng lưới, thay đổi địa chỉ kinh doanh phù hợp. Nhiều loại giấy phép con cần cắt bỏ Hiệp hội Vàng cũng cho rằng, việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần được khuyến khích để đáp ứng nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế, thì DN cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, các DN vàng đề nghị với các DN đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoạch hàng năm và báo cáo định kỳ với NHNN. Theo phản ánh của nhiều DN kinh doanh vàng, địa điểm để kinh doanh đa số các DN này phải đi thuê. Do vậy, việc thay đổi địa điểm kinh doanh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, thì các doanh nghiệp phải xin phép NHNN, như vậy sẽ làm mất thời gian, chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép các doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho NHNN khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng để tạo điều kiện cho DN. Về giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng, hoạt động thử nghiệm vàng cũng không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư 2014. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BKHCN, DN phải được cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng trước khi thực hiện hoạt động này. Theo Hiệp hội, đây thực chất là giấy phép con không cần thiết, núp bóng dưới giấy chứng nhận. Vì vậy, Hiêp hội kính đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng, mà chỉ quy định các DN đăng ký dịch vụ thử nghiệm vàng với cơ quan quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động này. Văn bản do ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ cho sửa đổi lại Nghị định 24/NĐ-CP cho phù hợp với quy định của Luật đầu tư 2014 và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Hiệp hội này cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo NHNN rà soát lại và bãi bỏ những quy định của chỉ đạo NHNN rà soát lại và bãi bỏ những loại giấy phép con trái với quy định.