Trong bối cảnh đó, Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực của Liên Hợp quốc (LHQ) và là nước chủ nhà của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) đã có những đóng góp quan trọng nhằm đẩy mạnh nỗ lực đối phó với Boko Haram và các tổ chức cực đoan khác của cộng đồng quốc tế.
Thách thức từ Boko Haram
Tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ về “những vi phạm nhân quyền do nhóm khủng bố Boko Haram gây ra” diễn ra hôm 1/4, Cao ủy Nhân quyền LHQ và các nước trực tiếp liên quan cho biết, từ năm 2009 đến nay, cuộc chiến chống nhóm khủng bố Boko Haram tại miền Bắc Nigeria và quanh vùng hồ Chad đã cướp đi sinh mạng của 15.000 thường dân, khiến 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 600.000 người phải tị nạn ở nước ngoài.
Sau phần thảo luận của các nước thành viên, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua Nghị quyết lên án các hành vi khủng bố của Boko Haram, yêu cầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ tìm hiểu thông tin tại thực địa và có báo cáo tại khóa 30 Hội đồng Nhân quyền, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
Tại phiên họp này, đại diện phái đoàn Việt Nam tại Geneva khẳng định, là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đặc biệt quan ngại về tình trạng nhiều phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc, tước đoạt các quyền tự do cơ bản, bị lạm dụng, thậm chí bị giết hại bởi Boko Haram. Nhấn mạnh việc duy trì hòa bình và an ninh là nền tảng cho bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đại diện Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của các nước, các tổ chức khu vực và các cơ chế LHQ liên quan trong việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.
Đặc biệt, trong khuôn khổ IPU 132 diễn ra tại Hà Nội, Nghị quyết về chủ đề khẩn cấp “Vai trò của Nghị viện trong việc ngăn chặn các hoạt động khủng bố của các tổ chức như Daesh và Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái” đã được thông qua với sự nhất trí cao của các đại biểu. Sự chuẩn bị chu đáo chương trình nghị sự và hoàn thiện đề xuất chủ đề khẩn cấp của Bỉ, Australia của nước chủ nhà Việt Nam đã được các đại biểu đến từ Nghị viện hơn 150 nước và vùng lãnh thổ đánh giá cao, góp phần quan trọng cho việc thực thi các Nghị quyết của IPU và Hội đồng Bảo an LHQ về chống khủng bố.
Cam kết lâu dài của Việt Nam
Là đất nước đã trải qua nhiều đau thương mất mát do chiến tranh, Việt Nam luôn trân trọng, khao khát hòa bình và bằng nhiều cách thức khác nhau đã đóng góp cho nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng. Sự nổi lên của những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tại châu Phi đã đe dọa sự ổn định, thịnh vượng của châu lục vốn chịu nhiều đau thương mất mát này. Nhằm đóng góp cho sứ mệnh thiết lập lại trật tự, giảm thiểu ổn định tình hình tại đây, Việt Nam đã cử thêm 3 sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Cộng hòa Trung Phi. Trước đó, từ tháng 6/2014, đã có 2 cán bộ sĩ quan liên lạc của Việt Nam tham gia Phái bộ hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan. Với chủ trương nhất quán là tham gia một cách có trách nhiệm vào hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ, trong tương lai, Việt Nam sẽ chuẩn bị đưa các sĩ quan tham mưu, Bệnh viện dã chiến cấp 2 và lực lượng công binh tham gia tại các phái bộ phù hợp.
Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định là cam kết nghiêm túc và lâu dài của Việt Nam nhằm tăng cường đóng góp vào công cuộc gìn giữ và kiến tạo hòa bình trên thế giới. Những nỗ lực của Việt Nam nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ông Herve Ladsous - Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình, đại diện các thành viên của LHQ đã ca ngợi tinh thần trách nhiệm và quyết tâm gìn giữ hòa bình của Việt Nam trong thời gian qua và trong tương lai.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 2 từ phải qua), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng hoa chúc mừng 3 sỹ quan chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Ảnh: TTXVN
|