Nhà đầu tư châu Á hứng khởi với tài sản rủi ro
Thị trường cổ phiếu châu Á giao dịch khởi sắc trong phiên này nhờ được hỗ trợ từ phiên lập kỷ lục của S&P 500 và các bình luận của Nhà Trắng cho thấy Washington và Bắc Kinh đã tiến gần đến một thỏa thuận thương mại, làm hồi sinh hy vọng cuộc chiến thuế quan có thể sắp kết thúc.
Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, hôm 14/11 cho biết Mỹ đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, điều này đã thúc đẩy sự lạc quan của các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu.
Thông tin tích cực về đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã giúp đẩy chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản nhích 0,67%. Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei cộng 0,76%. Chỉ số chứng khoán của Australia cũng tăng 0,8%.
Tại thị trường Trung Quốc, cổ phiếu blue-chip cũng leo dốc 0,06% ngay sau khi bắt đầu phiên giao dịch ngày 15/11.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tâm lý nhà đầu tư vẫn rất mong manh sau khi dữ liệu suy yếu của kinh tế Trung Quốc càng củng cố mối lo ngại về nền kinh tế toàn cầu, và trong bối cảnh gia tăng tâm lý thận trọng trước các thông tin trái chiều về đàm phán thương mại Trung - Mỹ.
Shane Oliver - nhà kinh tế trưởng tại AMP Capital ở Sydney, đã ví phản ứng của thị trường với tin tức thương mại tích cực tương tự như mối quan hệ với người nghiện rượu, đó là các nhà giao dịch cố giữ cổ phiếu với hy vọng thị trường phục hồi và cũng không đẩy mạnh mua thêm.
“Các nhà đầu tư cho rằng sẽ có một số giải pháp để giải quyết cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài 18 tháng qua, ít nhất là một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài” - chuyên gia này cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia Oliver nói rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu chững lại, và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm tới sẽ gây áp lực cho cả hai bên để đạt một thỏa thuận.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng USD tăng 0,18% so với yen Nhật, được giao dịch ở mức 1 USD đổi được 108,58 yen. Đồng euro đi ngang so với đồng bạc xanh, hiện được giao dịch với tỷ lệ 1 euro “ăn” 1,1023 USD.
Chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,01% xuống 98,154 điểm.
Chứng khoán Mỹ trái chiều, S&P 500 lại lập kỷ lục
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 nhích nhẹ vào ngày 14/11 lên mức đóng cửa cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, những lo ngại vẫn còn tồn tại xung quanh mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung cùng với đà sụt giảm của cổ phiếu Cisco Systems và Walmart đã làm giảm tâm lý hào hứng trên Phố Wall.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/11, chỉ số S&P 500 tăng 0,1% lên 3.096,63 điểm khi các lĩnh vực bất động sản và nguyên vật liệu có thành quả vượt trội. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones đóng cửa thấp hơn ở mức 27.781,96, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,04% xuống 8.479,02 điểm.
Cổ phiếu Cisco Systems “bay” 7,3% do dự báo đáng thất vọng, còn cổ phiếu Walmart sụt 0,3% sau khi chạm mức cao mọi thời đại.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung được cho là đã gặp khó khăn trong vấn đề mua hàng nông sản. Wall Street Journal hôm 13/11 đưa tin Bắc Kinh chưa nhất trí với những yêu cầu của Mỹ để hạn chế chuyển giao công nghệ cũng như các cơ chế thực thi.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 14/11, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong, cho biết hai nước đang tổ chức các cuộc thảo luận sâu hơn về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng lưu ý rằng việc dỡ bỏ một số hàng rào thuế quan là chìa khóa quan trọng để đạt được một thỏa thuận.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hồi đầu tuần rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần đến một thỏa thuận, nhưng không đưa ra chi tiết nào về tiến triển của các cuộc đàm phán.
Việc đàm phán thương mại cũng bị ảnh hưởng sau khi các thượng nghị sĩ Mỹ thúc đẩy bỏ phiếu về dự luật quyền Hồng Kông khi các cuộc biểu tình ở đây leo thang. Việc thông qua dự luật này có thể cản trở các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chứng khoán Mỹ đã liên tục thiết lập các mức tăng kỷ lục trong các phiên gần đây trong bối cảnh hy vọng mới rằng Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được một số thỏa thuận thương mại. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt tăng 3,7% và 4,4% trong tháng trước, còn Nasdaq Composite nhảy vọt hơn 5%.
Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa của nhau kể từ đầu năm 2018, qua đó làm chao đảo các thị trường tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng.
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ về triển vọng nền kinh tế hôm 13/11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết: “Không có gì thực sự bùng nổ. Nói cách khác, đó là một bức tranh kinh tế khá ổn định. Lộ trình lãi suất của FED khó có thể thay đổi chừng nào nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng”.