Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ cho mình và cả cộng đồng

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua ghi dấu những ngày Hà Nội luôn nằm trong số những địa phương có ca mắc mới cao. Có những ngày, như ngày 7/12, Hà Nội là 1 trong 5 tỉnh, TP có ca mắc mới cao cùng TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng với 737 ca. Đặc biệt, trong đó có khá nhiều ca mắc trong cộng đồng.

Mặc dù vậy, tình trạng đó dường như không mấy tác động đến tinh thần người dân thành phố. Mọi hoạt động sinh hoạt, học tập, làm việc… dường như vẫn trong trạng thái bình thường mới, với quan điểm sống chung với Covid-19 trên cơ sở thích ứng an toàn. Cũng như nhiều địa phương khác, Hà Nội đã có kế hoạch từng bước cho học sinh các cấp trở lại trường học, bước đầu đã thực hiện cho học sinh khối lớp 12 với phương thức luân phiên tới trường.
Ảnh minh họa.
Còn nhớ cách đây không lâu, từ lúc đợt dịch thứ tư bùng phát, lần đầu tiên số bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Hà Nội lên đến 3 con số đã gây sự lo ngại như thế nào. Rồi sự xuất hiện của ổ dịch Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, trong một tuần đã ghi nhận 256 ca nhiễm, con số khá khiêm tốn so với số ca mắc mới hiện nay, cũng đã ít nhiều gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Vậy nguyên nhân nào khiến người dân Thủ đô có thái độ bình tĩnh như vậy, trước sự tăng lên đáng kể của các ca dương tính trên địa bàn thành phố những ngày qua?

Trước hết, đó là niềm tin vào khả năng phòng chống dịch bệnh của công tác tiêm chủng. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính tới 18 giờ ngày 4/12, Thủ đô đã tiêm được khoảng 12,2 triệu mũi vaccine Covid-19. Trong đó, hơn 6,1 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi, đạt 94,22% dân số trên 18 tuổi và 71,2% tổng dân số, trong đó hơn 5,54 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi. Riêng với nhóm 2,1 người trên 50 tuổi gần 88% người đã tiêm ít nhất 1 mũi, còn tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi là hơn 82,3%. Gần 69% trong số 702.000 trẻ từ 12 - 17 cũng đã được tiêm vaccine.

Thứ hai, cũng vô cùng quan trọng, là do người dân đã hiểu rõ hơn về dịch bệnh cũng như cách phòng chống dịch bệnh phù hợp, khoa học hơn trên quan điểm sống chung với Covid-19 thực hiện mục tiêu "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành ngày 11/10/2021. Có thể nói, chính sự chuyển hướng này đã khiến người dân có ý thức hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trên cơ sở đó có cách ứng xử khoa học, bình tĩnh hơn trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đây chính là một nhân tố cần duy trì và phát huy trong thời gian tới trước những nguy cơ lây lan của dịch bệnh với những biến chủng mới.

Tuy nhiên, cũng phải thấy mặt trái của trạng thái tâm lý trên, đó là tình trạng chủ quan, lơ là vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, nhất là trong giới trẻ. Ở không ít nơi trong thành phố vẫn còn hiện tượng tụ tập đông người tại các quán ăn, địa điểm công cộng… mà không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cần thiết. Cần nhắc lại rằng, để có thể sống trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 như hiện nay, chúng ta đã phải trải qua cả một trận chiến rất cam go với cái giá phải trả là vô cùng đắt, chính là sinh mạng của hơn hai chục nghìn đồng bào tử vong trong dịch bệnh. Với những bài học kinh nghiệm vô cùng đắt giá, chúng ta không được phép để những hy sinh, mất mát không đáng có lặp lại.

Người dân Hà Nội và cả nước đã cùng vượt qua năm 2021 đầy khó khăn do dịch bệnh gây ra. Trước mắt là lễ Giáng sinh, năm mới 2022, rồi Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Nghĩa là rất nhiều cơ hội, lý do cho những cuộc họp mặt, tổng kết, giao lưu… Trong bối cảnh đó, để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, ý thức tự giác của người dân là vô cùng quan trọng. Vì mình và cả cộng đồng, mỗi người dân triệt để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể duy trì được trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, điều mà để đạt được chúng ta đã phải trả một giá vô cùng đắt.