Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ hồn Trung thu bằng đồ chơi truyền thống

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn lưu giữ lại văn hóa của dân tộc và giữ hồn cho những đêm hội trăng Rằm tháng 8 lung linh trong mắt trẻ thơ, hơn 40 năm nay, bà Nguyễn Thị Tuyến, thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức vẫn duy trì làm những món đồ chơi Trung thu truyền thống trước sự lấn át của các đồ chơi hiện đại.

Đam mê với nghề

Vui Tết Trung thu, ngoài những chiếc bánh dẻo, bánh nướng, mâm ngũ quả… thì những món đồ chơi truyền thống là thứ không thể thiếu để tạo nên linh hồn của đêm hội trăng Rằm. Hình ảnh những em nhỏ với ánh mắt trong veo, tay cầm đèn ông sao, miệng ngân nga bài hát “Rước đèn ông sao” là một kỷ niệm đẹp trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Mỗi món đồ chơi truyền thống tuy nhỏ bé, đơn giản nhưng lại chứa đựng những giá trị sâu xa.
Cô Nguyễn Thị Tuyến, thôn Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức đang làm đèn ông sao tại gia đình. Ảnh: Nguyễn Nga
Ví như chiếc đèn ông sao gắn thêm hình lá cờ Tổ quốc là muốn nhắc nhở mọi người thêm yêu quê hương, đất nước. Hay ông Tiến sĩ giấy được đặt bên mâm cỗ là mong ước của cha mẹ dành cho con cái học hành chăm chỉ để sau này đỗ đạt, thành tài… Trong guồng quay hối hả của nhịp sống hiện đại, trước sự lấn át của những món đồ chơi điện tử có âm thanh sôi động, màu sắc bắt mắt, một số làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống bị rơi vào mai một, nhiều nghệ nhân đã phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Điển hình như làng Hậu Ái, xã Vân Canh trước đây nổi tiếng là nơi sản xuất ra những món đồ chơi truyền thống, nhưng nay chỉ còn duy nhất một người còn theo nghề. Đó chính là bà Nguyễn Thị Tuyến, năm nay đã gần 60 tuổi.

Trong căn nhà nhỏ bày la liệt những món đồ chơi đang làm dang dở, từ đèn ông sao, ông Tiến sĩ giấy, đến những con giống… bà Tuyến miệt mài hoàn thiện các sản phẩm để kịp hàng giao cho khách. Do đây là nghề mang tính mùa vụ nên một năm bà Tuyến chỉ làm nghề từ đầu tháng 6 âm lịch đến sát Rằm tháng 8. Bà Tuyến tâm sự, làm nghề này thu nhập chẳng đáng là bao nên mọi người ở làng không mấy người mặn mà. "Sở dĩ tôi gìn giữ nghề hơn 40 năm nay vì đây là nghề truyền thống của gia đình và hơn hết là niềm đam mê cháy bỏng với những món đồ chơi truyền thống" - bà Tuyến chia sẻ. Ðiều đặc biệt, mỗi sản phẩm do bà Tuyến làm ra chắc chắn, an toàn, phù hợp với các em nhỏ, khiến người tiêu dùng rất hài lòng. Hơn nữa, bà thường xuyên trăn trở tìm hướng cải tiến mẫu mã, sáng tạo ra nhiều con giống với những hình ảnh ngộ nghĩnh, bắt mắt hơn.

Tiếp tục truyền nghề

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Tuyến phấn khởi cho biết: Mấy năm gần đây, số người đặt hàng nhiều hơn theo từng năm, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người quan tâm tới những món đồ chơi truyền thống hơn. Hiện nay, bà không còn phải mang hàng đi các chợ bán lẻ, mà cứ đến gần Trung thu là các đơn vị lại gọi điện hoặc đến trực tiếp để đặt hàng. Ngoài ra, nhà bà còn trở thành một địa chỉ được nhiều bạn trẻ hoặc gia đình có con nhỏ thường xuyên lui tới để trải nghiệm cách làm một chiếc đèn Trung thu truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Hồng, một người dân sống gần nhà bà Tuyến cho biết: Mặc dù những ngày giáp Trung thu thường rất bận với lượng hàng đặt nhưng bà Tuyến vẫn tận tình hướng dẫn những ai muốn học nghề. Bên cạnh đó, bà còn nhận lời mang nguyên liệu đến một số nơi như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, phố cổ… để hướng dẫn cho những ai muốn trải nghiệm với nghề. Bởi theo bà, đây cũng là cách để truyền cảm hứng và tình yêu với những món đồ chơi truyền thống đến với nhiều người hơn. Việc làm của bà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. “Tôi sẽ tiếp tục làm nghề, truyền nghề đến khi nào không còn sức khỏe nữa thì thôi” – bà Tuyến tâm sự.