KTĐT - Mất ngủ còn sinh bỏ bữa, nhất là bữa sáng, hoặc ăn qua loa nhưng lại "chăm" uống bia, rượu, cà phê, hút thuốc lá... càng làm cơ thể mệt mỏi. Dù mệt mấy cũng phải ăn sáng, nên ăn loại có nước như phở, mì, miến...
Thời điểm này, nhiều người đã mệt mỏi vì thiếu ngủ khi thức đêm xem bóng. Những trận cầu cuối cùng sắp tới càng thêm mệt bởi các trận đấu diễn ra đến gần sáng. Làm gì để tận hưởng sự kỳ diệu của bóng đá mà sức khỏe vẫn bảo đảm?
Chống thiếu ngủ
Nếu vòng đấu bảng World Cup trận xem, trận không hoặc xem phát lại cũng được, thì từ vòng tứ kết trở đi, người hâm mộ khó có thể bỏ qua giờ xem trực tiếp. Rất nhiều người sẽ mệt mỏi vì thiếu ngủ, ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể, làm đầu óc thiếu tập trung, mất tỉnh táo...
Do đó, cần điều chỉnh các hoạt động trong ngày, chú ý ăn, ngủ, nghỉ... để mau hồi phục sức khoẻ. Nếu thể lực kém thì chỉ nên xem những chương trình phát lại. Nếu đủ sức khỏe để xem trực tiếp thì hãy cố gắng ngủ một giấc ngắn 20 - 30 phút trước khi vào trận đấu. Như thế, cơ thể sẽ không quá mệt vì thức khuya. Thời gian ngủ cần đảm bảo đạt 5- 6 giờ/ ngày đêm. Ban ngày nên tranh thủ ngủ bù vào buổi trưa, hoặc ngủ giữa 2 trận đấu, 2 hiệp đấu. Chợp mắt ít phút đã đủ làm đầu óc nhẹ nhõm rồi, không nên vui tranh luận, ăn nhậu vì hay bị nặng đầu, bẳn gắt, khó chịu cả ngày vì thiếu ngủ.
Đừng sợ ăn
Mất ngủ còn sinh bỏ bữa, nhất là bữa sáng, hoặc ăn qua loa nhưng lại "chăm" uống bia, rượu, cà phê, hút thuốc lá... càng làm cơ thể mệt mỏi. Dù mệt mấy cũng phải ăn sáng, nên ăn loại có nước như phở, mì, miến... Nếu ăn khô thì nên uống nước kèm như sữa đậu nành, sữa tươi. Nên bồi bổ hơn bình thường như ăn phở thêm 2 lòng đỏ trứng, ăn cháo nên ăn thêm óc lợn.
Các bữa ăn ngoài đủ dinh dưỡng, cần phối hợp nhiều loại thực phẩm động vật, thực vật, nhất là tăng thêm vitamin, chất khoáng: Rau quả tươi có nhiều vitamin A, E, C. Chất khoáng có nhiều trong cà rốt, súp lơ, su hào, cải bắp. Hoa quả tươi (bưởi, cam, dưa hấu, lê, táo, cà chua...) qua chế biến hay nước ép đều tốt. Nhưng tốt nhất là ăn tươi vì chất xơ của rau quả sẽ điều hoà nhu động ruột, chống táo bón do phải ngồi xem tivi nhiều giờ ban đêm, giúp cơ thể đào thải cholesterol, phòng bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.
Các thực phẩm như khoai lang, khoai tây, ngũ cốc nguyên hạt rất giàu dinh dưỡng. Các loại dầu (vừng, đậu nành, ôliu), dầu cá (cá thu, cá hồi) có omega-3 rất tốt cho não và hệ tim mạch.
Xem tivi khuya cần ăn thêm bữa phụ (bằng uống sữa, cháo, phở, chè...) giữa 2 trận đấu để cơ thể không bị đói, nhanh phục sức, giảm nhẹ tác hại do không khí căng thẳng của các trận đấu đem lại. Hạn chế tối đa các thực phẩm ăn nhanh như khoai tây chiên, bánh kẹo, nước ngọt các loại.
Nhiều người có vấn đề về tim mạch (cao huyết áp, đau thắt ngực...) chỉ nên xem các trận đấu quyết định để để tránh bị căng thẳng. Thức trắng đêm và uống bia rượu rất dễ lên cơn tăng huyết áp, đau thắt ngực, thậm chí đột quỵ.
Sự căng thẳng và nguy cơ nhồi máu cơ tim đặc biệt lớn trong các trận ở giai đoạn tứ kết và khi đá luân lưu 11m (do gây nhiều cảm xúc làm lượng lớn hormone tiết ra gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim). Vì thế không nên xem tivi quá lâu, quá trình xem gắng hít thở thật sâu. Nếu thấy triệu chứng thở gấp, ngực đau... cần đi bệnh viện cấp cứu ngay. Hạn chế xáo trộn nhịp sinh hoạt hằng ngày, nhất là nhịp thức - ngủ. Tránh xa các thứ kích thích như chè đặc, cà phê, thuốc lá... Luôn nói "không" với rượu bia ngay cả khi đội bóng yêu thích chiến thắng. Nên hỏi bác sĩ điều trị để điều chỉnh cách xem tốt nhất, và cần xem cùng vài người đề phòng tình huống xấu. Luôn có sẵn thuốc dự phòng theo tư vấn của bác sĩ.
Xem bóng đá nơi đông người vui, sảng khoái, sôi động hơn. Nhưng la ó, hò hét, hút thuốc khi cổ vũ có thể bị khàn tiếng, hoặc tổn thương cho niêm mạc họng. Để phòng tránh, nên uống hơn 8 cốc nước/ngày. Súc họng bằng nước muối loãng thường xuyên trong ngày để bảo vệ vòm họng. Khi xem bóng đá chớ hò hét quá to. Nếu bị đau họng thì không nên nói nhiều hoặc hò hét khi xem. Không nên uống rượu, càphê hay soda vì những món đồ uống này càng làm niêm mạc họng bị khô. Bác sĩ Trịnh Thị Vân (Khoa TMH, Bệnh viện Bưu điện) |