Theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước, nguyên nhân khiến kinh tế vĩ mô có nhiều diễn biến tích cực như tăng trưởng cao, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài đổ vào đạt 2,35 tỷ USD từ đầu năm đến nay nhưng thị trường chứng khoán liên tục có nhiều phiên giảm điểm mạnh là do các nguyên nhân.
Thứ nhất, trong năm 2017 và quý I/2018, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng rất mạnh nên sự điều chỉnh giảm thời gian qua là cần thiết trong xu thế chung của thị trường. Bản thân các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng muốn chốt lời. Thứ hai, nguồn cung hàng trong thời gian qua tương đối nhiều. Các cổ phiếu lớn lên sàn niêm yết trong khi lượng cầu hiện tại không đủ và cần có thêm thời gian để đáp ứng lượng cung này. Thứ ba, căng thẳng trong thương mại Mỹ - Trung cũng như những bất ổn địa chính trị đã có tác động tiêu cực tới thị trường. Nguyên nhân cuối cùng là tâm lý lo lắng Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất.Đại diện UBCK Nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư nên bình tĩnh, đầu tư chứng khoán theo giá trị dài hạn. “Thị trường có lên có xuống nên nhìn chung vẫn đảm bảo bền vững nhờ nền kinh tế vĩ mô bền vững và tăng trưởng tốt, thị trường tiền tệ tốt, nhiều doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận cao”- ông Sơn cho biết.Cũng theo đại diện UBCK, minh chứng là hơn 90% các sàn niêm yết ở sàn HOSE và HNX đều có sự tăng trưởng tốt, ông Sơn cho hay. Ngoài ra, sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ về cổ phần hóa sẽ tạo ra cung hàng tốt cho thị trường.Đóng cửa phiên giao dịch 28/5, VN-Index giảm 32,15 điểm (3,34%) xuống 931,75 điểm; HNX-Index giảm 7,03 điểm (6,14%) xuống 107,46 điểm và Upcom-Index giảm 2,14 điểm (4,03%) xuống 50,99 điểm. Số mã giảm điểm áp đảo hoàn toàn với 473 mã, trong đó, có 135 mã giảm sàn. Số mã tăng điểm chỉ vỏn vẹn 92 mã. Các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường đều ‘nằm sàn’ hàng loạt. Nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các mã như BID, CTG, GAS, PVS, PVD, VPB, HDB… đều bị kéo xuống mức giá sàn.