Các bậc phụ huynh khi phát hiện con có người yêu khi còn quá nhỏ đều rất lo lắng, bởi trẻ yêu sớm sẽ sao nhãng chuyện học hành, nguy cơ quan hệ tình dục sớm dẫn đến nhiều hệ lụy. Giải pháp chủ yếu đưa ra trong hoàn cảnh ấy là cấm đoán, đe nẹt, hoặc tìm cách kiểm soát để con không tiếp xúc với "nửa kia". Tuy nhiên, dù đã tìm mọi cách nhưng nhiều phụ huynh cũng đành bất lực trước thái độ ương bướng của trẻ. Một bà mẹ có cô con gái 14 tuổi đã yêu, kể: Chị rất mệt mỏi khi đối phó với việc con lừa dối bố mẹ để đi chơi với người yêu. Tuy đã áp dụng mọi biện pháp quản lý, nhưng vợ chồng chị cũng đành phải "chào thua". Dù đã cắt điện thoại, internet nhưng nó vẫn tìm cách hẹn bạn trai bất cứ lúc nào có thể, thậm chí nửa đêm, trèo ban công ra ngoài. Điều chị lo nhất là nó có thể quan hệ tình dục sớm, trong khi cả hai còn quá ít tuổi".
Trong hầu hết các cuộc khảo sát về tình yêu của trẻ vị thành niên, các phụ huynh luôn cho rằng, yêu sớm là hư và khó chấp nhận. Khi được hỏi "tại sao lại cấm đoán?", phần lớn phụ huynh cho rằng, trẻ chưa đủ chín chắn để xây dựng cho mình một tình yêu đích thực, tình cảm lúc này chỉ là cảm xúc bồng bột, rất dễ gây ra hậu quả xấu. Nhưng về phía trẻ, các em lại cho rằng, yêu càng sớm thì kinh nghiệm sau này càng dồi dào, tránh cho mình khỏi những bất trắc, thậm chí lại có người nghĩ yêu sớm là "oai”, không nhận ra được là mình đang đùa giỡn tình cảm với chính bản thân mình.
Nắn dòng chảy theo hướng êm đềm
Tình yêu tuổi học trò đôi khi chỉ là những giây phút bâng khuâng, xao xuyến khi nhận được sự quan tâm của bạn khác giới. Các bậc phụ huynh không nên nghiêm trọng hóa vấn đề này. Ranh giới giữa tình bạn và tình yêu khác phái tạo ra những xúc cảm mới lạ, hấp dẫn và trong mắt các em, những rung động ấy mang sắc màu lung linh, kỳ diệu. Do đó, theo các chuyên gia, khi phát hiện con mình có dấu hiệu đang yêu, cha mẹ nên bình tĩnh quan sát xem liệu đó là tình yêu hay chỉ là những rung cảm nhất thời. Càng căng thẳng, trẻ càng chống đối để bảo vệ tình yêu. Thay vì cấm đoán quyết liệt, nên đến với trẻ gần gũi như một người bạn, thường xuyên tôn trọng, lắng nghe trẻ, biết góp ý để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thực tế cũng cho thấy, những em gái yêu sớm thường là sinh trưởng trong những gia đình cha mẹ ít quan tâm đến tình cảm của con, đặc biệt là những gia đình cha mẹ ly hôn hay một trong hai người mất sớm. Trong những trường hợp đó, tình yêu chính là nguồn bổ sung hữu hiệu cho sự thiếu hụt này. Bởi vậy, thay vì đánh đập, chửi mắng, cha mẹ nên nhìn nhận lại những thiếu sót của mình trong việc giáo dục con và cố gắng bù đắp những thiếu hụt ấy.
Khi tình yêu là nhu cầu bản năng khó để cấm đoán, cách ứng xử của cha mẹ phải giống như chuyện ta không ngăn được dòng chảy của con sông nhưng biết nắn dòng chảy đi theo một hướng khác êm đềm hơn. Một người phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện của mình như sự gợi mở cho các bậc phụ huynh rơi vào hoàn cảnh tương tự: "Tôi biết con bé đang yêu. Sau đó, nó kể cho tôi nghe về tâm trạng, những rung động, những ước mơ về tương lai. Tôi cũng kể cho con nghe về những rung động đầu đời khi tôi bằng tuổi nó. Rồi những lần mẹ con trò chuyện, tôi có thể hiểu hết tâm tư của con. Từ những trải nghiệm của mình tôi đã giúp con biến những rung động ấy thành động lực để nó sống tốt hơn".