Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giúp học viên cai nghiện sớm tái hòa nhập cộng đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi đến Trung tâm quản lý sau cai nghiện số I, Hà Nội, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần về hình ảnh của một môi trường cách biệt, tù túng, cùng những tiếng la hét đau đớn, vật vã của người nghiện khi lên cơn thèm thuốc.

Thế nhưng, khác với tưởng tượng của chúng tôi, không gian ở đây không quá cách biệt với môi trường xung quanh. Trên con đường dẫn vào Trung tâm, hai bên rợp bóng cây, khuôn viên cũng nằm gọn giữa bóng cây xanh mát, khiến cho nơi đây mang một không khí yên tĩnh, dễ chịu.

Ngổn ngang những mảnh đời

Trung tâm quản lý sau cai nghiện số I có nhiệm vụ triển khai công tác tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy. “Công suất” của Trung tâm có thể tổ chức quản lý, dạy nghề cho 1.500 người. Các lớp dạy nghề do Trung tâm phối hợp với các đơn vị khác đào tạo nghề may, hàn, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, truyền các nghề thủ công phù hợp với sức khỏe và hướng dẫn tay nghề cho các học viên, đồng thời tổ chức các hoạt động lao động sản xuất rèn luyện tay nghề. Mỗi học viên sau khi qua quá trình học nghề có thể tham gia lao động, được trả lương hàng tháng để góp phần chi trả các khoản phí trong quá trình sinh hoạt tại Trung tâm.
Học viên tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện số I sau giờ lao động. 	Ảnh: Trần Long
Học viên tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện số I sau giờ lao động. Ảnh: Trần Long
Chúng tôi được đưa vào thăm một lớp nghề Điện dân dụng đúng vào lúc các học viên đang làm việc. Tại đây, hàng trăm đôi tay đang thoăn thoắt thao tác lắp ráp ổ điện khiến cả phòng rộn rã tiếng rào rào. Anh Lê T., 30 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, vào lớp nghề đã hơn một năm nay. Trước khi vào Trung tâm, anh T. đã “dính” vào ma túy 3 năm do bạn bè lôi kéo. Trong 3 năm đó, sức khỏe, của cải theo làn khói trắng tan biến hết. Nhờ sự cố gắng, 3 - 4 tháng sau khi cai nghiện, anh đã dứt được cơn. Công việc tại lớp nghề kéo dài từ sáng đến 5 giờ chiều khiến cho anh thấy mình có ích hơn, tinh thần trở nên thoải mái và cũng làm cho anh bớt đi thời gian nhàn rỗi để lưu luyến đến “nàng tiên nâu” như trước. Hiện tại, từ việc lao động bằng nghề điện, anh kiếm được một khoản tiền để bù vào chi phí khi sinh hoạt tại đây. Tinh thần của anh rất thoải mái để chờ tới 6 tháng sau là có thể trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.

Cùng trong lớp nghề Điện dân dụng với anh T., bác C., đã gần 50 tuổi, nhưng thao tác lắp ráp vẫn rất nhanh nhẹn. Cách đây vài năm, vợ chồng bác chia tay, tâm lý suy sụp, không ổn định nên sa ngã vào ma túy. Ai ngờ mọi thứ càng tuột dốc, gia đình tan nát, vợ bỏ đi, không được gặp con cái. Chia sẻ với chúng tôi, bác rưng rưng: “Tôi chỉ mong thời gian ở đây trôi qua nhanh để tôi được ra ngoài, gặp con cái. Như thế này buồn lắm, cô ạ”.

Hiện tại, ở Trung tâm đang có khoảng 800 người, trong đó có 25 người cai nghiện tự nguyện, toàn bộ học viên đều đang được tham gia các lớp học nghề. Mỗi người là một câu chuyện, một mảnh đời khác nhau, nhưng có lẽ đều chung một mong muốn được trở về với cuộc sống bình thường.

Chuyển đổi mô hình cho phù hợp

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Trí - Giám đốc Trung tâm quản lý sau cai nghiện số I cho biết, từ năm 2011 đến nay, số học viên tiếp nhận quản lý sau cai nghiện là 2.610 người, trong đó có 2.484 người sau cai nghiện, 126 người cai nghiện tự nguyện. Học viên được chia đều vào 5 đội quản lý, phân loại quản lý theo độ tuổi, tiền án, tiền sự, địa phương… để đảm bảo an ninh trật tự. Tại mỗi phòng ở, mỗi học viên được bố trí diện tích 2,5m2 nhưng khá gọn gàng, ngăn nắp. Khi chúng tôi đến cũng là lúc Đội 5 đang sửa chữa lại phòng thông tin, lắp thêm giá sách, tivi để học viên có thể giải trí sau giờ lao động.

Anh Nguyễn Nghĩa Dân - Quản lý học viên sau cai nghiện, Đội trưởng Đội 5 cho biết, hiện tại, Trung tâm có hơn 100 cán bộ quản lý, so với gần 800 học viên thì không thấm vào đâu. Vì vậy, công tác quản lý phải được làm thật tốt mới đảm bảo được an ninh trật tự. Bắt đầu vào đây, các học viên sẽ được dự các lớp học với 8 chuyên đề giáo dục, trang bị kiến thức cơ bản về quy định của pháp luật đối với công tác phòng chống ma túy, luật hình sự… Học viên sau cai khi hết hạn được tập huấn kỹ năng sống, tư vấn các giải pháp phòng chống tái nghiện, phòng chống lây nhiễm HIV..., chuẩn bị tốt tâm lý tái hòa nhập cộng đồng. Cũng nhờ công tác giáo dục được chuẩn bị đầy đủ mà các học viên  hợp tác hơn với cán bộ quản lý.

Ông Trí cũng cho biết, hiện tại, chức năng chủ yếu của Trung tâm là quản lý, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định tâm lý, sức khỏe; tổ chức dạy nghề; lao động sản xuất và hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy chuẩn bị các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Sắp tới, Trung tâm sẽ bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ điều trị nghiện ma túy tự nguyện và dần chuyển dịch mô hình tổ chức chữa trị, điều trị người nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. “Điều này phù hợp với tinh thần Quyết định số 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2013 phê duyệt “Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020” - ông Trí nói.

Vừa qua, Trung tâm cũng đã tổ chức một số lớp tập huấn cho các bộ quản lý, học tập mô hình của Trung tâm giáo dục số 5 tại quận Nam Từ Liêm để chuẩn bị thật tốt cho nhiệm vụ mới. Mục tiêu đặt ra là điều trị nội trú cho 500 người trong năm 2015 và 600 người trong năm 2016, đồng thời tổng kết đánh giá kết quả mô hình thí điểm. Ông Trí cho biết, mô hình mới hy vọng sẽ đem lại hiệu quả hơn trong việc điều trị cho người nghiện, hỗ trợ tay nghề để họ sớm hòa nhập với cộng đồng.