Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho doanh nghiệp hoạt động đường thủy tại Hồ Tây

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đảm bảo trật tự ATGT đường thủy trong mùa mưa lũ, vừa qua, liên ngành Thanh tra Sở GTVT, Phòng CSGT Đường thủy (Công an TP Hà Nội) đã tổ chức ra quân kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trên Hồ Tây.

Tại buổi kiểm tra, lực lượng liên ngành đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động của nhiều DN vì… không có Giấy phép mở bến thủy nội địa. 

Bốn năm… một lỗi vi phạm

Tại buổi ra quân, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với Công ty CP Sông Potomac và Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các DN đã có ý thức trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh và các dụng cụ chữa cháy. Tuy nhiên, khi kiểm tra điều kiện cho việc kinh doanh theo đúng pháp luật như Giấy đăng kiểm phương tiện còn hiệu lực, Giấy phép mở bến thủy nội địa các DN này đều không xuất trình được.
 
Kiểm tra chất lượng của các loại áo phao trang bị trên tàu Potomac, hoạt động trên Hồ Tây.
Kiểm tra chất lượng của các loại áo phao trang bị trên tàu Potomac, hoạt động trên Hồ Tây.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Ngọc Vượng - Giám đốc Công ty CP Sông Potomac cho biết, từ năm 2014, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bổ sung thêm quy định, yêu cầu các đơn vị khi đăng kiểm phải có hệ thống cảnh báo cháy tự động được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Hiện, đơn vị vừa hoàn thành xong hệ thống này và đang chờ làm thủ tục cấp Giấy đăng kiểm mới. Liên quan đến việc không có Giấy phép mở bến thủy nội địa vẫn tiến hành kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Vượng thừa nhận, tình trạng này đã diễn ra hơn 4 năm nay, các DN ở đây đã nhiều lần làm thủ tục xin cấp nhưng chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận.

Trong khi đó, ông Phương Đăng Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây cho biết, từ năm 2009, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, các DN đã chấp nhận di dời từ khu vực đường Thanh Niên về khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng. Trong năm đầu tiên, các DN vẫn được cấp Giấy phép mở bến thủy nội địa. Tuy nhiên, đến năm 2010 việc cấp tiếp bị dừng toàn bộ đến tận thời điểm này. Các DN có thắc mắc thì nhận được câu trả lời, khu vực đang kinh doanh không nằm trong quy hoạch mở bến thủy nội địa của UBND quận Tây Hồ. Điều này, khiến hàng loạt DN từ chỗ hoạt động theo đúng quy định và chủ trương của TP trở thành sai quy định. 

Sẽ cấp phép trở lại

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tiến - Đội phó Đội Thanh tra GTVT đường thủy (Sở GTVT) cho biết, những băn khoăn, vướng mắc của DN đã được thanh tra Sở tiếp nhận và chuyển lên các cấp có thẩm quyền. Hiện tại, UBND TP đã ban hành Quyết định 07/2014/QĐ - UBND quy định về việc quản lý bến thủy nội địa tham gia hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn. Theo đó, các DN tại khu vực này nếu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật sẽ được cấp Giấy phép mở bến thủy nội địa trở lại. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Tiến, đây chỉ là biện pháp tạm thời nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt của DN trong thời gian chờ dự án xây dựng cầu cảng nội địa Hồ Tây hoàn thành. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án cầu cảng nội địa Hồ Tây do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư có diện tích mặt nước khoảng 1,5ha, diện tích sàn cầu tàu khoảng 3.000m2. Dự án được triển khai cạnh Đầm Bẩy, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) dù đã được triển khai từ năm 2011, nhưng đến nay, mới chỉ hoàn thành phần nạo vét lòng hồ. Ông Vũ Mạnh Cường - Trưởng phòng Quản lý hoạt động dịch vụ Hồ Tây, Ban Quản lý Hồ Tây cho biết, trong thời gian chờ dự án cầu cảng nội địa Hồ Tây hoàn thành, Ban sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn, VSMT trên Hồ Tây, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. 

Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, năm 2014 được dự báo sẽ có nhiều trận bão, lũ, nên công tác bảo đảm ATGT đường thủy, đặc biệt là khu vực vui chơi giải trí, tập trung đông người là một trong những nhiệm vụ được Sở GTVT đặc biệt quan tâm. Trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, Thanh tra Sở sẽ tiến hành khảo sát cắm biển báo, phao tiêu tại những khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
 
"Trên Hồ Tây vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường thủy. Bởi hiện nay có nhiều điểm kinh doanh dịch vụ, nhà hàng nổi... nhưng chỉ trang bị dụng cụ nổi cứu sinh mang tính đối phó. Đó là chưa kể có rất nhiều người dân đưa thuyền xuống hồ để hoạt động. Đã có không ít vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ những lý do trên, mới đây là vụ lật thuyền làm 2 người chết xảy ra vào ngày 4/6. " - Thượng tá Lê Sinh Hùng -Phó trưởng Công an quận Tây Hồ