Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho xuất khẩu gia cầm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương có tốc độ phát triển đàn gia cầm hàng đầu cả nước, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các sản phẩm gia cầm của Hà Nội hiện còn rất khiêm tốn.

Trứng gà là sản phẩm gia cầm có tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Hệ lụy từ chăn nuôi nhỏ lẻ
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng đàn gia cầm bình quân trong 3 năm qua của Hà Nội đạt 6,14%. Riêng năm 2018, tổng đàn gia cầm trên địa bàn TP vào khoảng 26 triệu con, với sản lượng thịt cung ứng cho thị trường gần 86 triệu tấn. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho khoảng 10 triệu dân cư trú tại Thủ đô, sự phát triển của ngành gia cầm đã và đang góp phần quan trọng vào tổng giá trị xuất khẩu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ước tính đạt gần 30 tỷ USD trong 3 năm qua của Việt Nam.
Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác cần tập trung đầu tư nghiên cứu sâu, sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng; hướng tới phát triển các sản phẩm gia cầm chế biến đáp ứng được rào cản kiểm dịch và an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu.

Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản

Dù vậy, theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, đóng góp vào xuất khẩu gia cầm của Hà Nội chủ yếu đến từ các tập đoàn, DN lớn. Sản phẩm gia cầm xuất khẩu tập trung chủ yếu là trứng. Giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. “Hà Nội có tổng đàn gia cầm rất lớn nhưng có tới 60% là chăn nuôi nông hộ. Mà chăn nuôi nhỏ lẻ thì khó có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu…” – ông Sơn dẫn chứng một nguyên nhân trực tiếp.

Không chỉ ảnh hưởng tới năng lực xuất khẩu, chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ hiện nay tại Hà Nội còn khiến nguy cơ bệnh dịch gia tăng, tác động lớn đến yếu tố phát triển đàn vật nuôi, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu chất lượng để hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

DN đóng vai trò quan trọng

Thực hiện chủ trương của TP Hà Nội, những năm qua, ngành NN&PTNT đã quy hoạch, chuyển dịch dần chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại tập trung, xa khu dân cư. Đây được xem là bước đi đầu tiên cho mục tiêu nâng cao chất lượng gia cầm.

Để đa dạng hóa sản phẩm gia cầm xuất khẩu, bên cạnh trứng, Hà Nội chủ trương phát triển các loại gia cầm bản địa, sản phẩm đặc sản như: Gà đồi Sóc Sơn, gà đồi Ba Vì, vịt cỏ Vân Đình, gà mía Sơn Tây… Bên cạnh đó cũng đã quy hoạch và đang tập trung đầu tư phát triển các cơ sở cây, con giống chất lượng cao, trong đó có gia cầm. Mục tiêu đặt ra là đưa Hà Nội trở thành trung tâm cung cấp cây, con giống hàng đầu của cả nước, cũng như đáp ứng mục tiêu xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, đối với xuất khẩu gia cầm, vai trò của các tập đoàn, DN là hết sức quan trọng. Hà Nội đang đẩy mạnh thu hút các DN có tiềm lực mạnh tham gia đầu tư phát triển ngành gia cầm, nhất là ở các công đoạn sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ... Dù vậy, theo ông Nguyễn Huy Đăng, việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn, DN lớn của Hà Nội vẫn gặp khá nhiều khó khăn, do hạn chế về quỹ đất. Nguyên nhân là bởi giá đền bù đất sản xuất của Hà Nội hiện vẫn ở mức cao so với các tỉnh, thành lân cận.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cũng nhấn mạnh yếu tố an toàn thực phẩm trong sản xuất, bởi muốn xuất khẩu được sản phẩm gia cầm thì cần bảo đảm cao nhất các tiêu chuẩn chất lượng. Đối với bài toán này, DN tiếp tục đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tiềm lực mạnh về vốn đầu tư, nguồn nhân lực và trình độ khoa học công nghệ của các tập đoàn, DN là chìa khóa giúp nâng cao chất lượng gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.