Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ “nút thắt” phải rõ địa chỉ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, vừa giúp doanh nghiệp, ngân hàng và cả đời sống lẫn việc chung chuyển nguồn vốn" - Đây là nhận định của ĐBQH Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi trao đổi với báo chí ngày 30/10.

Gỡ “nút thắt” phải rõ địa chỉ - Ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm.

 
Nợ xấu là một trong hai nút thắt của nền kinh tế hiện nay, nhìn từ góc độ hoạt động của hệ thống ngân hàng, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

- Đúng là nợ xấu đang rất cao và làm hạn chế cả ngân hàng và doanh nghiệp, tắc nghẽn lưu thông dòng vốn. Vì thế, muốn giải quyết nợ xấu phải đánh giá đúng thực trạng, phải biết nợ xấu ở đâu và mức độ nào. Nợ xấu được tạo nên trong ngân hàng từ bốn địa chỉ: Thứ nhất là nợ đọng trong xây dựng cơ bản lên cả trăm ngàn tỷ đồng; thứ hai là trong ngân hàng phát triển chưa tính vào đây, số này cũng phải từ 60.000 đến 70.000 tỷ đồng; thứ ba chính là nợ đọng của ngân hàng do cho vay chéo và vay sân sau; thứ tư là nợ xấu hiển nhiên do thiên tai, dịch bệnh, do bất khả kháng trong điều hành, trong môi trường chính sách, trong tác động quốc tế. Việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo là 8,6%, tôi nghĩ đấy chỉ là một phần.

Để giải quyết "điểm nghẽn" này, theo ông cần bắt đầu từ đâu?

- Theo tôi bốn địa chỉ nợ xấu ấy có số lượng cụ thể, muốn giải quyết được chúng ta phải căn cứ vào từng địa chỉ. Ví dụ, về nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, Nhà nước phải thanh toán, hoặc với nợ đọng cho vay chéo thì phải hạn chế sân sau… Tiếp đến là tìm nguồn và phải thành lập công ty mua bán nợ với sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, phải có huy động vốn ở nước ngoài, phải có sự tham gia của các ngân hàng thương mại… Tất cả các yếu tố đó phải được chỉ đạo theo một hệ thống thống nhất, có đánh giá cụ thể theo một lộ trình thích hợp.

Vừa qua, những giải pháp này đã được đề ra và các ngân hàng đang trình Chính phủ một phương án giải quyết công ty mua bán nợ này. Tôi nghĩ, nếu giải quyết được đồng bộ các giải pháp trên, nợ xấu sẽ giảm.

Một nút thắt khác của nền kinh tế là hàng tồn kho, vậy theo ông phải làm sao để giải quyết thực trạng này? 

 - Để giải quyết hàng tồn kho phải tập trung giải quyết bốn vấn đề. Thứ nhất là phải tăng sức mua, hai là phải giảm chi phí, ba là phải có sự hỗ trợ bình ổn giá và cuối cùng phải có sự hướng dẫn tiêu dùng. Ví như hướng dẫn tiêu dùng là phải hướng người dân vào những mặt hàng thiết yếu, hay thông qua ngân sách cấp cho những dự án, công trình để họ tiêu thụ sắt, thép, xi măng, nguyên vật liệu trong nước để giảm hàng tồn kho, giải quyết được yêu cầu đầu ra cho doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa cũng đang đặt ra là việc giảm thuế cho doanh nghiệp, theo ông trong tình hình khó khăn hiện nay, Nhà nước có nên giảm thuế ngay không hay phải chờ đến 2020 như lộ trình?

 - Việc giảm thuế cũng là một động tác để hỗ trợ doanh nghiệp cùng với lãi suất. Theo tôi những gì có thể giảm được, nên nghiên cứu giảm ngay. Ví dụ, thuế thu nhập doanh nghiệp bây giờ có ý kiến đề nghị giảm từ 25% xuống còn 20%. Đây là một bài thuốc để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy, đặc biệt là với những doanh nghiệp đang có điều kiện sản xuất. Mặc dù, việc giảm thuế có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhưng mặt khác có tác dụng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, số tiền chúng ta sẽ thu lại từ thuế, sau đó có thể còn tăng lên gấp nhiều lần. Tất nhiên, Bộ Tài chính phải có những cân đối cụ thể và xác định nguồn tăng thu, nguồn giảm và khả năng bù đắp trước mắt cũng như lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

Về thông tin Bộ Tài chính dự kiến đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng. ĐBQH Cao Sĩ Kiêm cho rằng: Phải phân tích rõ vàng là hàng hóa xa xỉ hay là phương tiện để dành, khi đó mới áp dụng luật thuế hợp lý. Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng miếng người dân đang nắm giữ, cần cân nhắc để đảm bảo quyền lợi của dân. Việc quan trọng là phải củng cố và đưa thị trường vàng hoạt động theo đúng thông lệ quốc tế và điều kiện hoạt động lưu thông trong nước hiện nay.