Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ vướng hạ tầng và chính sách để thu hút đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho hoạt động thu hút đầu tư...

Kinhtedothi - UBND TP sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN), đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tại buổi làm việc với các sở, ngành và Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội tổ chức ngày 3/6.

Nhiều hạn chế về hạ tầng

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN đều có chung ý kiến, công tác hoàn thiện pháp luật liên quan đến ĐTNN còn chậm so với thực tế, dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ đầu tư (thời gian cấp phép đầu tư của Hà Nội lâu gấp 3 lần so với TP Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin về quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành còn hạn chế cũng là trở ngại cho hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
 
Dây chuyền lắp ráp máy in tại Công ty Canon (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội).  	Ảnh: Hoài Nam
Dây chuyền lắp ráp máy in tại Công ty Canon (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Đặc biệt, giá thuê đất quá cao đã gây khó khăn không nhỏ cho việc thu hút các dự án sản xuất của các tập đoàn lớn. "Trước đây, giá thuê đất cho 10 năm hoạt động chỉ có 25 USD/m², nhưng nay lên đến hơn 100 USD/m², điều này khiến tỷ suất đầu tư tăng cao" - Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển hạ tầng Trần Hoài Bắc than phiền. Thực tế cho thấy, việc lập và phê duyệt quy hoạch các phân khu còn chậm đã khiến công tác GPMB, xây dựng KCN mới gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2008 đến nay, TP chỉ khởi công xây dựng được 2 KCN mới với diện tích 108ha. Bên cạnh đó, các quy hoạch này chưa chỉ rõ những địa điểm, điều kiện cụ thể để có thể lựa chọn dự án thu hút vốn FDI phù hợp, nhất là những dự án trong lĩnh vực dịch vụ. Công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng dự án, thủ tục đầu tư kéo dài không chỉ gây tốn kém về kinh phí mà còn làm lỡ cơ hội kinh doanh của DN.

Tăng cường hỗ trợ

Để tăng cường thu thu hút ĐTNN từ đó tạo sự chuyển biến về số lượng, chất lượng nguồn vốn FDI, hầu hết các sở, ngành tại buổi làm việc đều có chung ý kiến, trong thời gian tới bên cạnh việc kiến nghị Nhà nước sớm cụ thể hóa các quy chế thu hút DN có vốn FDI, UBND TP nên đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển các KCN để làm cơ sở thu hút những dự án FDI lớn. Ông Nguyễn Đình Dương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng: Bên cạnh việc ưu tiên bố trí quỹ đất, UBND TP nên có chính sách khuyến khích các DN tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vào các KCN một cách hoàn chỉnh; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ logistics…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Các DN có vốn FDI hiện đóng góp rất lớn cho kinh tế Hà Nội, đòi hỏi cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực trong công tác thu hút nguồn vốn này. Tuy nhiên, việc thu hút vốn FDI không làm bằng bất cứ giá nào mà phải phù hợp với cơ cấu kinh tế của TP là công nghiệp chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Nhằm thu hút DN có vốn FDI, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến kêu gọi ĐTNN tại các thị trường trọng điểm, Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở QH-KT sớm hoàn thành quy hoạch các KCN; Sở Tài chính và một số sở ngành liên quan xem xét, vận dụng các chính sách của Nhà nước nhằm xây dựng cơ chế kêu gọi DN tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng KCN…

Thực tế hoạt động thu hút đầu tư thời gian qua cho thấy, muốn "lôi kéo" được DN có vốn FDI, TP nên đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư: Không nên tổ chức dàn trải mà nên tập trung vào từng thị trường trọng điểm, theo lĩnh vực đầu tư cụ thể cũng như có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho từng dự án. Bên cạnh đó, các sở, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu những thủ tục không đáng có, tạo thuận lợi tối đa cho DN có vốn FDI đầu tư sản xuất tại các KCN.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành nhằm xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp (CCN). Trước thực trạng chỉ có 59/107 cụm, điểm công nghiệp có quy hoạch hệ thống xử lý nước thải tập trung, Phó Chủ tịch yêu cầu, Sở Công Thương khẩn trương phối hợp với các đơn vị rà soát tổng thể CCN để đề xuất về mô hình quản lý, nhất là tại các huyện, kể cả mạnh dạn kêu gọi xã hội hóa trong việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Sở cũng là đơn vị đầu mối phối hợp rà soát đánh giá và có phương án phù hợp cho từng CCN, đến trước ngày 30/6/2014 phải hoàn thành công tác này và đề xuất được định hướng lâu dài cho các CCN còn lại chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

 
Số liệu của Sở KH&ĐT cho thấy, TP có 33 KCN với diện tích 6.700ha, thu hút được 2.723 dự án có vốn FDI với tổng vốn đăng ký 22,3 tỷ USD, đã thực hiện giải ngân đạt 10,9 tỷ USD. Trong 5 tháng qua, Hà Nội đã thu hút được gần 200 triệu USD vốn FDI, dự kiến trong năm 2014 sẽ thu hút được 1,3 tỷ USD.