Độc đáo, đặc sắc
Đối với nhiều nhà nghiên cứu, Chu Đậu được coi là dòng gốm Đạo, gốm “bác học” bởi nó thấm đẫm chất văn hóa tâm linh Việt, đậm dấu ấn nhân văn của quốc đạo Phật giáo, đạo nhà và đạo Nho. Nét đặc trưng của gốm Chu Đậu được thể hiện ở kiểu dáng, màu men và các họa tiết hoa văn tinh xảo. Hiện sản phẩm gốm Chu Đậu đang được trưng bày và lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia trên thế giới.
Trong buổi tọa đàm xây dựng điểm du lịch đến làng gốm Chu Đậu mới đây, ông Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Giám đốc Công ty CP gốm Chu Đậu cho biết: Đến nay, các sản phẩm gốm Chu Đậu vẫn được làm thủ công, 100% các sản phẩm đều được vẽ bằng đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện của người thợ; mang màu men cổ hanh vàng ngày xưa được tạo ra từ tro trấu của thóc nếp. Trải qua hơn 10 năm khôi phục làng nghề, đến nay một khuôn viên rộng 3ha do Hapro đầu tư được xây dựng tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) được thiết kế theo các khu vực trưng bày và bán sản phẩm gốm Chu Đậu, khu sản xuất sản phẩm… Mỗi năm, nơi này tiếp đón khoảng 1.000 đoàn khách lớn nhỏ.
Để thu hút du khách, Hapro đã thiết kế 4 chương trình tour đi thăm các khu di tích quanh vùng, trong đó có điểm đến làng nghề gốm Chu Đậu. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Hapro cho hay: “Gốm Chu Đậu đã được khẳng định là thương hiệu vàng. Chúng tôi kiên quyết đưa nó trở thành dòng gốm có giá trị văn hóa và lịch sử hàng đầu của Việt Nam”. Ông Thắng cũng cho biết, việc khôi phục sản phẩm văn hóa phi vật thể có giá trị lâu đời thành sản phẩm cụ thể cần quá trình dài, đầu tư nhiều. Khi đã tạo ra được sản phẩm, việc lấy gì nuôi cơ sở để tạo ra những sản phẩm tiếp theo lại là bài toán đặt ra cần lời giải đáp. Để làm được điều này, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa ý tưởng, sự hiểu biết, cảm nhận giá trị văn hóa nâng tầm trở thành giá trị thương hiệu. Cùng với đó Hapro cũng bắt tay với các tổ chức du lịch để có sự kết hợp giữa thương mại và du lịch mang đến tác dụng nhiều chiều, tạo ra kênh hàng hóa lưu thông và góp phần quảng bá gốm Chu Đậu ra nước ngoài nhanh nhất.
Chiến dịch quảng bá
Tại buổi tọa đàm, đại diện một số doanh nghiệp du lịch đề nghị được kết hợp với Hapro đưa sản phẩm gốm Chu Đậu đến khu du lịch Đền Hùng (Phú Thọ), Công viên Nghĩa trang Vĩnh hằng, khu du lịch Ao Vua (Hà Nội)… Các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch cho rằng, về mặt thương mại, tiêu thụ sản phẩm thì Hapro đã thành công, nhưng để phát triển du lịch còn nhiều việc phải làm. Trước hết muốn được khách du lịch trong và ngoài nước hiểu và biết đến gốm Chu Đậu, rất cần có chiến dịch quảng bá bài bản và chuyên nghiệp.
Xét về giao thông, xưởng gốm Chu Đậu chưa tiện đường cho khách đi tour từ Hà Nội xuống Quảng Ninh. Do vậy nên nghiên cứu một địa điểm thuận cung đường của khách làm nơi bày bán và trình diễn sản phẩm, khi du khách đã thích và mê sẽ tự khắc tìm đến tận làng nghề tìm hiểu, trải nghiệm với thời gian nhiều hơn. Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ - Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế ATC đề nghị: khu trưng bày sản phẩm tách biệt với khu sản xuất; bài thuyết minh điểm đến và lịch sử hình thành của làng nghề phải chuyển tải và thắp lửa được niềm say mê trải nghiệm của khách. Hơn nữa, vì sản phẩm cổ và có giá trị lâu đời nên quà tặng phải mang đậm nét văn hóa và truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, quà tặng không thể làm đại trà mà phải độc và tinh. Chương trình tour du lịch thăm làng gốm Chu Đậu nên kết hợp với hội nghị, hội thảo (MICE) để du khách đến thăm và mua sắm. Trong khi đó, bà Quách Thị Mỹ Hòa - Công ty Du lịch Hanoi Toserco mong muốn có khu trưng bày 1.000 sản phẩm gốm được khôi phục. Nơi này sẽ giới thiệu màu men gốm Chu Đậu được làm từ trấu của thóc nếp, mang tính bền vững và bảo vệ sức khỏe con người. Bài thuyết minh phải gắn với hình ảnh giúp khách hiểu sâu về lịch sử hình thành, thị trường tiêu thụ, giai đoạn bị thất truyền, nét đặc sắc và tinh tế của gốm Chu Đậu…
Trong khi các làng nghề khác có nhiều gia đình làm nghề để khách có thêm cơ hội chiêm ngưỡng mẫu mã sản phẩm thì Chu Đậu chưa có. Về việc này, ông Thắng cho biết đang phối hợp với lãnh đạo xã vận động và hỗ trợ một số gia đình đứng ra gây dựng làm riêng. Hy vọng, cùng với những giá trị đặc sắc của dòng gốm cổ Chu Đậu, những món ăn đặc sản được trồng và nuôi tại chính vùng đất này, với sự phối hợp của Sở VHTT&DL Hải Dương trong việc gắn kết các điểm đến và đặc sản sẽ tạo thành chuỗi giá trị để du khách đến và cảm nhận tầng văn hóa phong phú ở vùng đất này.
Việc được tham gia vào quy trình sản phẩm gốm Chu Đậu đã thu hút nhiều du khách. Ảnh: Trần Oanh
|