Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Google “khai tử” mạng xã hội đầu tiên của mình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Google vừa đưa ra thông báo sẽ chính thức đóng cửa Orkut vào ngày 30/9 tới đây, đánh dấu sự chấm dứt mạng xã hội đầu tiên của “gã khổng lồ tìm kiếm”, được Google mua lại từ năm 2004.

Năm 2003, Google đã từng có tham vọng đặt chân vào lĩnh vực mạng xã hội khi đưa ra lời đề nghị mua lại mạng xã hội Friendster với giá 30 triệu USD, tuy nhiên Friendster đã từ chối lời đề nghị hấp dẫn này. Một năm sau đó, Google ra mắt mạng xã hội Orkut, mạng xã hội đầu tiên của “gã khổng lồ tìm kiếm”, ít tháng trước khi Facebook của Mark Zuckerberg được ra đời.

Tuy nhiên, sau 10 năm năm tồn tại và hoạt động, Orkut chưa bao giờ là một sản phẩm thành công của Google, thậm chí không ít người dùng Internet chưa từng biết đến cái tên Orkut này. Đó là lý do tại sao Google sẽ đóng của Orkut vào ngày 30/9 tới đây.

 
Orkut bị “khai tử” sau hơn 10 năm tồn tại do không thể tìm được chỗ đứng trên thị trường smartphone
Orkut bị “khai tử” sau hơn 10 năm tồn tại do không thể tìm được chỗ đứng trên thị trường smartphone
Google cho biết “khai tử” Orkut để tập trung nhiều hơn vào các mạng xã hội khác của hãng như Youtube, Blogger và Google+, nơi có cộng đồng người dùng phát triển nhanh và vượt trội hơn so với cộng đồng người dùng Orkut. Người dùng trên mạng xã hội Orkut có thể trích xuất dữ liệu của họ bằng công cụ mà Google cung cấp để chuyển sang những mạng xã hội khác của Google.

“Trong một thập kỷ qua, Youtube, Blogger và Google+ đã được ra mắt, với cộng đồng người dùng trải khắp trên thế giới”, Google cho biết trên blog chính thức của Orkut. “Bởi vì sự phát triển của cộng đồng người dùng khác vượt trội hơn so với sự phát triển của Orkut, chúng tôi quyết định chia tay Orkut để tập trung năng lượng, nhân lực của chúng tôi để xây dựng những nền tảng mạng xã hội khác cho người dùng”.

Mặc dù có thời gian tồn tại lên đến hơn 10 năm tuy nhiên chưa bao giờ Orkut được xem là một mạng xã hội thành công. Một điều khá ngạc nhiên là Orkut rất được yêu thích tại Brazil và Ấn Độ. Vào tháng 3/2011, Chủ tịch Google Eric Schmidt tự tin tuyên bố sự thành công của Orkut tại Brazil được xem là một dấu hiệu cho thấy thành công của Google trên thị trường mạng xã hội.

Tuy nhiên trên thực tế Orkut chưa bao giờ được chú ý tại các thị trường lớn và quan trọng như Mỹ và châu Âu.

Vào thời điểm phát triển mạnh nhất của Orkut (năm 2011), mạng xã hội này có đến 32,7 triệu người dùng tại Brazil, gấp 3 lần số người dùng của Facebook tại quốc gia này, tuy nhiên thời gian thống trị của Orkut không kéo dài lâu. Đến tháng 9/2011, Facebook vượt qua Orkut trở thành mạng xã hội lớn nhất tại Brazil và Orkut không bao giờ lấy lại được vị thế của mình. Tính đến cuối năm 2012, theo thống kê cho thấy Facebook chiếm đến 92,8% lượng người dùng mạng xã hội tại Brazil, trong khi Orkut chỉ chiếm 2%.

Trước bối cảnh Orkut mất đi vị thế tại những thị trường vốn được xem là thành công nhất, trong khi không thể tìm được chỗ đứng trên những thị trường quan trọng khác, việc Google quyết định khai tử mạng xã hội này cũng là điều dễ hiểu.

Việc khai tử Orkut một lần nữa cho thấy sự bất lực của Google trong việc tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường mạng xã hội. Trước đó vào năm 2011, Google cũng đã buộc phải đóng cửa một mạng xã hội khác của hãng là Google Buzz. Hiện tại Google dường như đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạng xã hội Google+ của hãng, tuy nhiên trên thực tế Google+ vẫn chưa thể có được sự ảnh hưởng và quy mô hoạt động như Facebook hay Twitter...

Trước đó, cựu CEO và hiện đang là Chủ tịch của Google Eric Schmidt đã từng nhiều lần thừa nhận sai lầm lớn nhất của ông và Google đó là bỏ qua “miếng bánh màu mỡ” mạng xã hội. “Chúng tôi đã quá bận rộn làm những điều khác mà bỏ qua lĩnh vực mạng xã hội. Và tôi là người chịu trách nhiệm cho điều đó”. Tuy nhiên trên thực tế, ngay cả khi Google ra mắt mạng xã hội Orkut từ rất sớm (trước cả Facebook) thì Google vẫn không thể có được những thành công như Facebook đạt được.