Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GS Ngô Đức Thịnh: Công dân Việt Nam đều có thể tổ chức hầu đồng

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Trước những tranh cãi về việc ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế tổ chức hầu đồng hay lễ cầu an, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn nghệ thuật chầu văn Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Mấy ngày nay trên mạng rộ lên hình ảnh ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) kéo đoàn xe đi tổ chức hầu đồng, cầu thăng quan tiến chức. GS có xem clip này?
- Ngay sau khi báo chí phản ánh, tôi đã xem clip này trên
.
Nhiều người nhận định ông Phạm Văn Tác đi hầu đồng cầu thăng quan, nhưng ông Tác lại làm văn bản giải trình lên Bộ Y tế là tham gia lễ cầu an. Dưới góc độ của người nghiên cứu, GS cho rằng các nghi thức đang thực hiện là hầu đồng hay cầu an?
- Qua những hình ảnh trên clip thì tôi khẳng định buổi lễ của ông Vụ trưởng Tác không phải là hầu đồng, nhưng cũng chưa thể nói đó là lễ cầu an hay buổi lễ gì.
Theo GS không phải lễ hầu đồng, nhưng ông Tác là cán bộ cấp cao của Bộ Y tế, liệu có được phép cúng bái hoành tráng như vậy?
- Nhà nước quy định người dân được tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tự do thực hành niềm tin tín ngưỡng. Có nghĩa là ta tin vào Phật thì ta được thờ Phật hoặc tin vào đức chúa trời thì hướng theo đạo Thiên chúa giáo. Tín ngưỡng đó không phân biệt già trẻ, gái, trai, người có chức vụ hay không chức vụ. Bất cứ công dân Việt Nam đều có thể làm lễ cũng như tổ chức một lễ hầu đồng. Nhưng là cán bộ Nhà nước thì nên kín đáo hơn để tránh sự hiểu lầm không đáng có, đặc biệt công chúng qua đó soi vào làm gương. Qua những hình ảnh trên clip thì tôi cho rằng cách thức thực hành của ông Tác hơi quá nặng về lễ bái, nhiều vàng mã khiến người ta có thiên hướng nghĩ đến tư tưởng mê tín dị đoan.
Nghiên cứu lâu năm về hầu đồng, theo GS tại sao mỗi khi nhắc đến hầu đồng, di sản này lại gặp nhiều lời điều tiếng như vậy?
- Lâu nay người ta cứ đồn thổi về hầu đồng, nói rằng nó ghê gớm lắm và che phủ nó bởi một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc. Chúng tôi là những nhà khoa học nghiên cứu về tín ngưỡng thờ mẫu hay người dân quen gọi là hầu đồng mất hơn 20 năm để khẳng định đây là một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt.
Thờ Mẫu là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian phổ biến của người Việt Nam, nhất là cư dân khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Qua việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu giúp người Việt học về lịch sử, bồi dưỡng thêm tinh thần yêu nước. Bên cạnh đó, chưa có tín ngưỡng nào thờ vị thần người dân tộc thiểu số: Bà chúa, bà chầu, các cô... như đạo Mẫu. Trong quá trình thực hành tín ngưỡng đã du nhập làn điệu hát văn, ăn mặc, cách nhảy múa của các dân tộc trên nhiều vùng miền. Có thể khẳng định tín ngưỡng thờ tứ phủ Mẫu của người Việt là di sản lớn với 3 di sản chồng lên nhau: Hát văn, tín ngưỡng thờ mẫu và nghi lễ chầu văn.
Không phủ nhận giá trị của di sản, nhưng thực tế người dân thực hành di sản thì ít mà mê tín dị đoan thì nhiều. GS có nghĩ như vậy?
- Thực tế những kiến thức về hầu đồng của người dân còn rất hạn chế. Ngay cả những người tự xưng là ông đồng, bà cốt thì có đến 9/10 người không hiểu rõ về tín ngưỡng họ đang theo đuổi. Và cũng có không ít người lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi. Và rồi người ta thực hành hầu đồng theo đúng nghĩa mê tín dị đoan. Là mâm cao cỗ đầy, lễ lớn lễ bé để cầu tiền, cầu chức. Trong khi đó, trên thực tế bản chất thực của tín ngưỡng thờ mẫu hay nghi lễ hầu đồng không phải cầu được cái đó.
Xin cảm ơn GS!
Bộ Y tế không liên quan đến việc Vụ trưởng đi hầu đồng
Chiều 11/10, theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT làm rõ thông tin Báo điện tử Người tiêu dùng đăng tải sự việc ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đi hầu đồng. Bộ Y tế cho rằng, việc ông Tác tổ chức lễ tạ đền Bảo Lộc thờ Đức Thánh Trần là việc cá nhân, gia đình, không liên quan đến công việc của ngành y tế. Thời gian diễn ra là vào thứ Bảy, ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc theo quy định Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin trung thực, khách quan về các vấn đề của ngành y tế và yêu cầu báo điện tử Người tiêu dùng cung cấp thông tin chính xác. Trong trường hợp Báo điện tử Người tiêu dùng không cung cấp bằng chứng để chứng minh, đề nghị Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của cán bộ, công chức ngành y tế. (Trần Nga)