Đã 2 lần Hội đồng tư vấn đặt và đổi tên đường, phố đề xuất đặt tên đường phố mang tên ông Trịnh Văn Bô. Song có thể, năm 2016, vị doanh nhân nhiệt tình ủng hộ cách mạng này vẫn chưa thể có tên gắn trên đường phố Thủ đô vì trục trặc ở một vài quy trình. Theo ông, có nên thay đổi quy trình đặt tên hiện nay để bớt thiệt thòi cho các trường hợp này? - Tôi thấy quy chế đặt tên đường phố của Hà Nội hiện nay rất chặt chẽ, vừa đảm bảo tính khoa học, vừa dân chủ khi có ý kiến của người dân nơi sử dụng địa danh đó. Ông Trịnh Văn Bô không phải trường hợp danh nhân đầu tiên phải chờ lần đề xuất tiếp theo. Trước đó, tên danh nhân Nguyễn Thế Rục cũng đã có 10 năm dự kiến đặt tên đường, nhưng rồi cũng gặp trắc trở. Theo tôi, để xử lý hài hòa vấn đề này, cơ quan quản lý có thể tìm ra giải pháp. Ví như, năm 2006, quá trình đặt tên phố Ngụy Như Kom Tum tại quận Thanh Xuân cũng gặp vấn đề tương tự. Thời kỳ đó, lãnh đạo TP Hà Nội đã trực tiếp xuống thuyết phục người dân địa phương, giải thích về công lao đóng góp của vị danh nhân này với nền giáo dục nước nhà và nhận được thái độ vui vẻ đồng tình của người dân. Theo thống kê, trên 50% đường phố của Hà Nội mang tên danh nhân. Trong khi nhiều danh nhân đã đặt tên chưa mang tính tiêu biểu, còn nhiều danh nhân có công lớn với đất nước như Hồ Quý Ly, vua Minh Mệnh vẫn chưa từng được đề xuất. Ông có nghĩ Hà Nội quá thận trọng với các nhân vật lịch sử từng gây tranh cãi về công trạng? - Trước đây, có thể chúng ta có nhiều đánh giá khác nhau về Hồ Quý Ly và vua Minh Mệnh. Nhưng đến nay, tôi nghĩ rằng hai vị này hoàn toàn xứng đáng để đặt tên đường phố Thủ đô, thậm chí là có thể đặt ở những con đường lớn, huyết mạch. Đến nay, lịch sử công bằng nhìn nhận Hồ Quý Ly là bậc anh hùng, người quyết tâm bảo vệ đất nước. Hiện nay, thành Nhà Hồ đã được công nhận di sản văn hóa thế giới đã có thể thấy sự công bằng hơn trong cách đánh giá về Hồ Quý Ly. Vua Minh Mệnh cũng vậy. Trước đây, chúng ta phủ định hoàn toàn đóng góp của nhà Nguyễn trong lịch sử, nhưng nay chỉ riêng những công lao trong vấn đề khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã thấy vua Minh Mệnh hoàn toàn xứng đáng đặt tên đường ở Hà Nội.
Hà Nội thận trọng trong việc đặt tên đường là tốt. Nhưng theo tôi, các đơn vị tư vấn cần mạnh dạn nêu ra để thảo luận cho thấu đáo. Chúng ta nhìn trường hợp đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông là ví dụ. Thời gian đầu, nhiều người phản đối quyết liệt, nhưng sau khi phân tích cũng tìm được sự đồng thuận. Các nhà khoa học từng nêu ý kiến, Hà Nội nên hạn chế lấy tên danh nhân đặt tên đường phố. Tuy nhiên, theo tờ trình của UBND TP lên HĐND, năm 2016, Hà Nội dự kiến có 8 danh nhân sẽ được lựa chọn đặt tên đường. Như vậy có quá nhiều? - 8/26 dự kiến đặt trong năm 2016, theo tôi không phải là nhiều, mà còn có thể phải nhiều hơn nữa. Phương châm là hạn chế, là không đưa ào ạt và không để trường hợp tên đường mang tên địa danh của địa phương lại chèn danh nhân… Còn lại, không nên máy móc là phải ít danh nhân. Việc lựa chọn danh nhân để đặt tên đường, phố cũng là thể hiện văn hóa truyền thống của người Việt Nam, là sự ghi nhận, tôn vinh những bậc anh hùng, danh nhân, người có công với đất nước, dân tộc. Hiện nay, ở các nước phát triển đang đặt tên đường phố theo xu hướng đánh số để tránh những thay đổi không cần thiết. Theo ông, Hà Nội có nên học tập? - Đánh số tên đường là điều không tưởng ở Hà Nội. Bởi các nước phương Tây họ đánh số ngay từ đầu, còn ở ta, việc đặt tên đã thành đặc trưng của Hà Nội. Chúng ta không thể đang là đường Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông… mà đổi thành đường số 1, số 2 hoặc số gì đó. Thay đổi tên đường là vạn bất đắc dĩ, ảnh hưởng đến hoạt động hành chính của người dân và xã hội. Cũng nhiều ý kiến cho rằng có thể thử nghiệm ở các khu đô thị mới, nhưng như thế sẽ là cách đặt tên đường không đồng nhất. Theo tôi, Hà Nội vẫn phải sử dụng cách đặt tên đường theo phương án hiện nay, chỉ là xây dựng thêm ngân hàng dữ liệu tên để hàng năm có nhiều lựa chọn hơn. Xin cảm ơn ông!
Biển chỉ tên phố tại nút giao Đinh Tiên Hoàng - Đinh Lễ. Ảnh: Công Hùng |