Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GTZ hỗ trợ bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án Kết hợp bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Kiên Giang, do Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011.

KTĐT - Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án Kết hợp bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Kiên Giang, do Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011.

Ngày 8/11, khoảng 2.000 người đã tham gia “Ngày vệ sinh môi trường và trồng cây ngập mặn” tại các khu vực trọng điểm của Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án Kết hợp bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Kiên Giang, do Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011.

Với tổng kinh phí khoảng 1,7 triệu euro do Australia tài trợ, dự án hỗ trợ tỉnh Kiên Giang nâng cao năng lực quản lý các khu vực bảo tồn và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Dự án được triển khai tại 3 khu vực trọng yếu ở Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang gồm Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và khu vực ven biển Kiên Lương-Hòn Chông. Đây là những khu vực có đặc trưng đa dạng sinh học và sinh cảnh độc đáo, trong đó Vườn Quốc gia U Minh Thượng với diện tích gần 150.000ha là một trong những vùng đất ngập nước còn sót lại ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở các khu vực này đang bị đe dọa bởi các hoạt động phát triển không bền vững.

Theo đại diện GTZ, đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng đang bị giảm sút do các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên và việc duy trì mực nước cao để phòng chống cháy rừng của địa phương. Bên cạnh đó, việc chăn thả gia súc bừa bãi và phá rừng làm ruộng, nuôi trồng thủy sản của một bộ phận người dân đã và đang làm ảnh hưởng đến các thảm cỏ biển, các rạn san hô ở khu rừng ngập mặn này.

Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, từ năm 1993, GTZ đã triển khai tích cực nhiều hoạt động phát triển bền vững tại Việt Nam và hiện đang thực hiện khoảng 20 dự án và chương trình thuộc 3 lĩnh vực ưu tiên là chăm sóc sức khỏe, quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế bền vững gắn với xóa đói giảm nghèo, bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Đức.

Ông Lương Thanh Hải, Giám Đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, cho biết Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu đã xác định Việt Nam là nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng trái đất nóng dần lên và mực nước biển dâng cao, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm tỉnh Kiên Giang - địa phương có tới 208km bờ biển - là nơi dễ bị tác động nhất.

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang được đánh giá là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á, với tổng diện tích gần 1,15 triệu ha. Điểm đặc biệt là khu này có đại diện đặc trưng của hầu hết các hệ sinh thái vùng nhiệt đới như rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh và thứ sinh, rừng ngập mặn, cỏ biển, san hô, núi đá vôi, rừng tràm ngập nước theo mùa, đồng cỏ bàng... cùng nhiều loài thú quí hiếm như dogon, rùa biển, rái cá long mũi, voọc xám.

Cuối năm 2006, UNESCO đã chính thức công nhận Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là khu bảo tồn sinh quyển thế giới và đây cũng là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất trong 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận danh hiệu này./.