Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Đông cấp bách xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết

Bài và ảnh: Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết: Hà Đông xác định xử lý các ổ dịch là nhiệm vụ cấp bách trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết tại thời điểm hiện nay.

Hà Đông là ổ dịch sốt xuất huyết lớn của TP

Theo báo cáo của quận Hà Đông, tính đến ngày 12/8 trên địa bàn quận đã có 938 người mắc bệnh sốt xuất huyết, hiện còn 96 trường hợp phải nằm điều trị tại bệnh viện, tổng số ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) phát sinh trên địa bàn là 171 ổ dịch.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý thăm gia đình ông Nguyễn Xuân Bái (phường Phú Lương) tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Gia đình ông Bái có 3/ 4 người bị mắc sốt xuất huyết.  
Điểm “nóng” của dịch SXH bùng phát mạnh và chưa xử lý dứt điểm được đó là tại phường Phú Lương. Địa bàn phường Phú Lương còn nhiều diện đầm, ao, ruộng trũng là nơi sinh sản của muỗi. Mặt khác, phường Phú Lương đang có khá nhiều người làm nghề lao động tự do, như: Công nhân xây dựng công trình, ở trọ, do đó dễ dàng mang mầm bệnh ở nơi khác về. Chính vì họ đi làm chỉ đêm tối mới về nhà nên việc tiếp cận tuyên truyền phổ biến về công tác phòng chống muỗi đốt, tránh nhiễm bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Bái ở phường Phú Lương đang chăm vợ ở bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Gia đình ông có 4 người thì 3 người mắc bệnh SXH. Đầu tiên là do con ông đi làm về bị bệnh, sau đó lây sang vợ ông.
 Bệnh viện đa khoa Hà Đông vệ sinh môi trường bệnh viện, phòng bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)
Ngoài ra, một số địa phương khác có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh SXH trên địa bàn Hà Đông đó là các công trình xây dựng dở dang, khu vực chợ, trường học. Đặc biệt, Hà Đông cũng là địa phương tập trung nhiều bệnh viện lớn của trung ương và thành phố. Đây là có thể được coi là ổ dịch, nguồn lây bệnh sang các khu dân cư bên cạnh. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là 1 trong 5 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đang điều trị bệnh nhân mắc SXH.
 Bệnh viện Hà Đông tiếp tục đón bệnh nhân sốt xuất huyết vào điều trị.
Phường Quang Trung là địa phương có Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, phường đã có 53 người mắc bệnh SXH và phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hiện còn 3 người nằm viện. Phường đã rà soát, phát hiện có 6 ổ dịch SXH tại 6 tổ dân phố để có biện pháp kịp thời xử lý.

Theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hiện tại bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận khoảng gần 100 người đến khám bệnh các loại, trong đó có người mắc SXH. Trong khoảng 100 người có triệu chứng sốt thì có khoảng 60% người mắc bệnh SXH. Bệnh nhân nhẹ được đưa về điều trị nội trú, hoặc điều trị tại các tuyến dưới, bệnh nhân nặng thì điều trị tại bệnh viện. Khoa điều trị bệnh nhiệt đới có 50 giường bệnh, nhưng đến nay đã phải kê thêm lên thành 70 giường.

Tại buổi làm việc với Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định, Hà Đông là địa phương có số lượng người mắc bệnh SXH đứng thứ 5 của TP. Hà Nội coi đây là 1 trong 5 ổ dịch SXH lớn của cần tập trung các nguồn lực, thiết bị để hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh.

Rốt ráo xử lý cấp bách các ổ dịch

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết: Không chờ đến khi có chỉ đạo của TP mà từ đầu năm đến nay quận đã tập trung nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu được cách diệt bọ gây, muỗi trưởng thành tránh mắc bệnh SXH.
 Biện pháp thay đổi ý thức của người dân là tuyên truyền.
 Ngoài tuyên truyền bằng xe lưu động, Hà Đông triển khai tuyên truyền cả bằng loa di động kéo tay, tuyên truyền bằng trao đổi trực tiếp với người dân.
Quận đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch SXH. Từ ngày 1/7 đến nay, quận đã tổ chức hàng loạt các hội nghị bàn giải pháp và lồng ghép với tất cả các hội nghị khác để tuyên truyền về phòng chống dịch SXH. Tập huấn cho 250 cán bộ y tế học đường, 150 đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền và xung kích diệt bọ gậy, muỗi trên địa bàn. Tại điểm “nóng” dịch SXH phường Phú Lương, quận đã tập huấn riêng cho 70 đoàn viên. Giao cho ngành Y tế đã tổ chức nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên cổng thông tin điện tử, đài truyền thanh, pa nô, áp phích tới tận tổ dân phố.
 Lãnh đạo thành phố và Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại phường Quang Trung, quận Hà Đông. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)
Ngay từ tháng 6, khi có nhiều người mắc bệnh, quận đã rà soát các tổ dân phố. Những hộ chưa được tập huấn về việc phòng chống dịch sốt xuất huyết sẽ được huy động đi họp để nghe phổ biến, tuyên truyền đi, tuyên truyền lại nhiều lần. Đến thời điểm này, quận còn tổ chức cả xe ô tô, xe tay kéo, xe đạp đến từng ngõ xóm tuyên truyền, nhắc nhở để người dân biết về phòng chống dịch bệnh.

Trung tâm y tế tổ chức 2 tổ giám sát dịch, đến các Trạm y tế giám sát ổ dịch, cách để cách ly người bệnh không để lây lan ra cộng đồng. Thực hiện chế độ báo cáo ngày, cứ 16 giờ mỗi ngày, 17 phường báo cáo về quận thông tin về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch SXH, số người mắc bệnh, số người khỏi bệnh.
 Tích cực dọn vệ sinh ở bệnh viện, các khu dân cư, làm sạch các nơi đọng nước, tránh bọ gậy và muỗi phát triển.
 
Quận đã thành lập 1.334 tổ xung kích diệt bọ gậy, 225 tổ giám sát phòng chống dịch SXH, 3.469 người tham gia. Các tổ này được ngành Y tế tập huấn 3-4 lần về kỹ thuật theo đúng quy định. Chủ tịch UBND quận yêu cầu bố trí đủ nguồn lực để phòng chống dịch SXH.

Hàng ngày, quận huy động toàn thể Nhân dân dọn vệ sinh trong nhà, ngõ xóm trong khu dân cư. Vào ngày thứ 7 hàng tuần tổng vệ sinh môi trường toàn quận. Quận huy động 5.274 người tham gia tổng vệ sinh môi trường, bao gồm: Cán bộ y tế 800 lượt, Đoàn TN, Hội Nông dân, Cựu chiến binh, dân quân tự vệ, Hội Phụ nữ, mỗi nhà có ít nhất 1 người tham gia diệt bọ gậy, muỗi trưởng thành làm vệ sinh chung. Quận đã kiểm tra trên 152.260 lượt hộ, trong đó phát hiện 17.534 dụng cụ chứa nước có bọ gậy/tổng số 314.789 dụng cụ chứa nước được kiểm tra. Thả trên 19.500 con cá, xử lý 1.700 gói dung dịch diệt bọ gậy.

Toàn quận được trang bị 6 máy phun thuốc xử lý muỗi và bọ gậy. Tuy nhiên, số lượng này không đảm bảo được yêu cầu phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Quận đã khuyến khích các phường thực hiện xã hội hóa, mua mỗi phường 1 máy phun thuốc khử trùng, diệt muỗi, bọ gậy. Bắt đầu từ ngày 12/8, số máy trên đã tham gia đồng loạt vào việc tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng tất cả các khu dân cư trên địa bàn. Ngoài số hóa chất được cấp từ TP, quận đã chuẩn bị 300 lít hóa chất diệt muỗi, phun 100% tại các ổ dịch.
Tại Phú Lương, không chỉ phun tại ổ dịch là khu Trinh Lương mà phun toàn phường và coi Phú Lương là một ổ dịch lớn của quận. Hiện nay các phường có nhiều ổ dịch không phải phun trong vòng bán kinh 200 mét nữa mà phun diện rộng toàn phường. Ngoài ra, quận tổ chức phun thuốc ở những khu vực có nguy cơ cao, như: Trường học, bệnh viện, chợ, công trường xây dựng, dự án còn chưa tiến hành xây dựng để đất trống, nước đọng, công viên, nghĩa trang …
 Tiến hành phun thuốc diệt bọ gậy, muỗi toàn địa bàn quận.
Xử phạt hành chính đối với những hộ dân không thực hiện làm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, tại Phú Lương đã phạt những hộ này 500.000 đồng, ngoài ra còn cưỡng chế những hộ dân có kho chứa.

Theo bà Hòa, khó khăn nhất của Hà Đông là đô thị hóa nhanh, nhiều chung cư, tăng dân số cơ học do người dân đến Hà Đông sinh sống ở trọ nhiều do nhiều trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, nhiều bệnh viện, trong đó riêng Bệnh viện 103 mỗi ngày khám và điều trị bệnh 500 người, đây chính là những nơi nguy cơ cao phát sinh ổ dịch.

Để thực hiện tốt chỉ đạo của TP, Hà Đông chỉ đạo triển khai đợt 1 tổng vệ sinh môi trường phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy đến 4/9, sau đó sẽ có báo cáo về TP kết quả thực hiện. Quận sẽ đổi mới phương pháp làm đó là: Trà sát từng hộ dân, hộ nào chưa nắm được quy định thì tập trung tuyên truyền. Công tác tuyên truyền, dọn vệ sinh đều thực hiện theo cách cuốn chiếu, những hộ dân nào không có người ở thì cưỡng chế để vào làm vệ sinh, diệt bọ gậy, muỗi. Đây là cách duy nhất và hiệu quả nhất để giảm số người mắc bệnh. Công tác này sẽ được quận triển khai lâu dài, bền bỉ sao cho giảm được số người mắc bệnh trên địa bàn, đảm bảo cho người dân ổn định đời sống.