Đi đầu tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy trong nhà trường
Năm 2023 trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Trong đó, tại quận Hà Đông có vụ cháy ở phố Thành Công (phường Hà Cầu), khiến 3 trong 4 người thiệt mạng là trẻ em. Sau vụ hỏa hoạn này, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà đã chỉ đạo lực lượng công an quận đẩy mạnh giải pháp tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục cho học sinh, sinh viên trên địa bàn các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Thiếu tá Vũ Hồng Linh - Phó Trưởng Công an quận Hà Đông, cho biết: “Qua đánh giá những vụ cháy, trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất. Sau vụ cháy ở Phố Thành Công chúng tôi trăn trở rất nhiều về những biện pháp, giải pháp để quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trên địa bàn. Đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên, chúng tôi mong muốn kỹ năng PCCC và thoát nạn thành phản xạ của mỗi học sinh ở mọi lúc, mọi nơi”.
Sau khi nghiên cứu các quy định của pháp luật, trong đó có Thông tư 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Kế hoạch số 22 của UBND TP Hà Nội về việc giao cho các quận huyện tổ chức tập huấn các kỹ năng PCCC trong trường học, quận Hà Đông đã đi đầu tham mưu cho lãnh đạo, từ đó đề xuất với lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT triển khai xây dựng 8 bộ sách là giáo trình giảng dạy kiến thức PCCC trong trường học. Trong đó, 1 giáo trình cho cấp mầm non, 5 giáo trình cho cấp tiểu học, mỗi cấp THCS và THPT triển khai 1 giáo trình. Tất cả các tài liệu này đều được Bộ GD&ĐT ký ban hành.
Những chuyển biến tích cực
Ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại một số trường: Mầm non Ngô Thì Nhậm, Tiểu học Lê Quý Đôn, THCS Lê Lợi, THCS Nguyễn Trãi..., cho thấy, sau một thời gian triển khai việc đưa bài giảng kỹ năng PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra trong nhà trường, các em học sinh đã cơ bản nắm được những kiến thức về PCCC và thoát nạn khi cần thiết.
Em Nguyễn Minh Châu học sinh lớp 4A1, trường Tiểu học Lê Quý Đôn chia sẻ: “Sau khi học về kỹ năng PCCC, con biết khi cháy sinh ra khói độc. Con đã học được cách thoát nạn ra khỏi phòng kín bằng cách dùng khăn ướt bịt mồm và mũi, đi khom người men theo tường thoát ra khỏi đám cháy”.
Còn em Hoàng Tuệ Lâm, lớp 4A1, trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết thêm: “Thời gian qua, con được học về kỹ năng thoát nạn và PCCC. Con nắm được các kiến thức như thoát khỏi phòng kín có khói độc. Nhà con ở chung cư thì khi có cháy phải thoát ra cầu thang bộ và biết cách xử lý như nằm xuống đất, lấy tay che mặt và lăn qua lăn lại khi bị lửa cháy vào người”.
"Công tác giáo dục PCCC&CNCH trong trường học đều xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cũng giống các chuyên đề giáo dục khác, chuyên đề giáo dục PCCC, kỹ năng thoát nạn cho học sinh trong trường học được quận Hà Đông quan tâm, chỉ đạo và Phòng GD&ĐT quận hết sức chú trọng. Mọi kiến thức kỹ năng đưa vào trường học phải phù hợp với thực tế từng trường, từng lứa tuổi.
Đối với các lứa tuổi bé như mầm non, khi có cháy xảy ra đều phải có người lớn hỗ trợ. Tuy nhiên, khi các em được học những bài học cơ bản về PCCC thì trước hết các em biết bình tĩnh, cùng với cô giáo, hay cha mẹ tìm kỹ năng thoát nạn đúng với thời điểm đó. Qua việc học các em sẽ tránh được mất bình tĩnh, bấn loạn khi có cháy xảy ra.” - bà Lương Hồng Linh - chuyên viên phòng GD&ĐT quận Hà Đông chia sẻ.
Sau khi giáo trình về PCCC&CNCH trong trường học được triển khai và qua những buổi triển khai thí điểm ở 3 cấp THCS, tiểu học, mầm non, các nhà trường đều xây dựng thành bài giảng sinh động, giúp cho học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu và thực hành.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu An - Hiệu trưởng trường Mầm non Ngô Thì Nhậm cho biết: "Thời gian qua, Công an quận Hà Đông đã tổ chức các lớp tập huấn PCCC&CNCH cho 100% các giáo viên trong nhà trường. Trường có hơn 700 học sinh, đã xây dựng phương án PCCC&CNCH từng lớp học cũng như tổng thể nhà trường. Đối với lứa tuổi mầm non, các em học mà chơi, chơi mà học nên nhà trường đã xây dựng bài học về PCCC và thoát nạn cho các em đều dựa trên những mô hình chơi hàng ngày để lồng ghép. Ví dụ như lồng ghép các hoạt động vận động chui qua cổng ghép với đi khom men theo tường thoát nạn ra khỏi đám cháy. Bài vận động lăn qua, lăn lại lồng ghép với dập lửa cháy bén trên người…”.
Quận Hà Đông hiện có trên 115.000 học sinh theo học ở các cấp từ mầm non đến THPT. Mỗi trường có từ vài trăm đến vài nghìn học sinh hàng ngày học tập. Vào tháng 10/2023, khi xảy ra một đám cháy nhỏ ở thư viện của trường Tiểu học Đồng Mai, không ít thầy cô giáo và học sinh bị mất bình tĩnh.
Thiếu tá Vũ Hồng Linh cho biết thêm: “Khi có cháy xảy ra trong nhà trường, với số lượng học sinh, giáo viên đông, nếu không được trang bị kiến thức PCCC&CNCH sẽ xảy ra hỗn loạn. Bởi vì các thầy cô và học sinh không biết làm cách nào để chống cháy cũng như thoát nạn.
Trong vòng 1 tháng vừa qua đã triển khai tập huấn được cho 506 thầy cô trong ban giám hiệu của các trường trên địa bàn quận. Từ đó, các trường đã xây dựng những phương án về PCCC&CNCH cũng như chuẩn bị bài giảng cho học sinh, bố trí đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn PCCC đảm bảo đúng độ tuổi, phù hợp với thực tế và hiệu quả. Công an quận cũng đã tổ chức tuyên truyền cho 114 trường học các cấp học từ mầm non đến THCS”.
Quận Hà Đông xác định, việc giáo dục kỹ năng PCCC&CNCH trong các nhà trường không chỉ giúp cho thầy cô giáo, học sinh biết cách xử lý tình huống cháy nổ trong nhà trường mà còn lan tỏa đến cộng đồng dân cư. Bởi Hà Đông có rất nhiều giáo viên, học sinh đang ở trong các khu tập thể, nhà chung cư, nhà cao tầng. Việc biết xử lý các tình huống xảy ra cháy sẽ giảm thiệt hại về người.