Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là giảm lượng hàng tồn kho công nghiệp (CN) về mức thấp nhất.
Đã giảm nhiều mặt hàng tồn kho
Tính đến tháng 11, chỉ số tồn kho ngành CN chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ, song chỉ tập trung ở một số ngành phục vụ tiêu dùng dân cư chuẩn bị đón Tết như: Sản xuất bia tăng 57,6%, may trang phục tăng 48,5%, sản xuất mỹ phẩm - xà phòng tăng 21,7%, ô tô, xe máy tăng 95%... Đáng chú ý, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh như sản xuất đường tương ứng giảm 36,2% và 48,2%, sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 27,7% và 27,1%...
Người tiêu dùng mua hàng bình ổn giá tại Siêu thị Hapro.Ảnh: Hoài Nam
Từ năm 2013, giá điện sẽ tuân thủ quy luật thị trường
Tối 3/12, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã công bố giá thành SXKD điện năm 2011.
Năm 2011, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 94,65 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất hệ thống điện 9,23%, thấp hơn quy định của Bộ Công Thương cũng như tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế năm 2010. Tổng chi phí SXKD điện là 121.356 tỷ đồng, tương ứng giá thành SXKD điện là 1.282 đồng/kWh. So với giá bán điện thương phẩm là 1.226 đồng/kWh ngành điện lỗ 56 đồng. Theo tính toán từ chênh lệch giá thành điện và giá bán điện trong năm 2011, EVN lỗ 5.297 tỷ đồng.
Nếu tính đến thu nhập từ các hoạt động có liên quan SXKD điện như tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi, lợi nhuận từ đầu tư vào công ty cổ phần phát điện... trong năm 2011, EVN lỗ 3.181 tỷ đồng. Cũng qua kiểm tra, tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành SXKD điện đến hết 31/12/2011 là 26.733,53 tỷ đồng.
Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: Việc xử lý khoản lỗ này sẽ được EVN tiến hành từ nay đến năm 2015, lấy nguồn từ các khoản lãi năm 2012 và 2013. Về giá điện trong thời gian tới, hiện Cục chưa đề xuất lộ trình điều chỉnh giá điện cho năm 2013, tuy nhiên về lâu dài giá điện sẽ theo xu hướng ngày càng tăng.
|
Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất của Chính phủ và các bộ, ngành đã có hiệu quả, đưa mức tồn kho nhiều mặt hàng về mức bình thường. Góp phần vào kết quả này là do việc chủ động khai thác thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm; thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thông qua hội chợ, tháng khuyến mại, đưa hàng Việt về nông thôn và bản thân các DN cũng chủ động cắt giảm chi phí tối đa giúp hạ giá bán, giải phóng hàng tồn…
Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước
Dự báo thời gian tới, chương trình mở rộng đầu tư công của Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng giảm mạnh lượng tồn kho. Song, để có giải pháp dài hơi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp tổng thể, chú trọng cải thiện điều kiện sản xuất kinh doanh của DN, hỗ trợ thị trường, làm tốt công tác quản lý thị trường đối với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.
Nhằm đảm bảo ổn định thị trường cuối năm và tạo đà cho kế hoạch năm tiếp theo nhiều khởi sắc, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị, DN khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN...
Đặc biệt, ngay trong tháng 12 này, Bộ yêu cầu các Sở Công Thương tập trung theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho DN XK; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động điều tiết cung cầu và bình ổn giá; thực hiện các chính sách kiểm soát chặt nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới...
Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh: Bộ Công Thương đang tập trung chỉ đạo các DN khẩn trương hoàn thành kế hoạch 2012 với trọng tâm nhất là giảm lượng hàng tồn, tận dụng năng lực sản xuất... nhằm tận dụng mọi cơ hội tạo đà cho năm 2013.
Báo cáo về chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tháng 11 của Ngân hàng HSBC cho thấy, sản lượng trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại sau thời kỳ suy giảm kéo dài 7 tháng. Với kết quả 50,5 điểm trong tháng 11, chỉ số PMI của HSBC được điều chỉnh theo mùa đã vượt trên ngưỡng trung bình 50 điểm lần đầu tiên trong 14 tháng qua. Sự tăng trưởng trở lại của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng sản xuất mới trong tháng 11 đã tăng với mức độ lớn nhất kể từ tháng 9/2011. Theo các chuyên gia HSBC, điều này đã giúp chấm dứt quá trình giảm tồn kho hàng mua 13 tháng liên tiếp trong lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, các chiến lược giảm giá của doanh nghiệp đã làm tăng số lượng đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
Đinh Trang
|