Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Bài giảng, bài tập học trực tuyến phải theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (26/3), Sở GD&ĐT TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và công tác chỉ đạo quản lý dạy và hoc trong thời gian học sinh nghỉ học.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, do dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, Sở đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến để kịp thời nắm bắt tình hình tại các cơ sở giáo dục, qua đó nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tại hội nghị, ông Chử Xuân Dũng đề nghị thảo luận, làm rõ các nội dung như đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh; công tác đào tạo (hình thức học trực tuyến, trên truyền hình); đánh giá công tác học sinh sau khi tiếp nhận mô hình học tập mới.
Việc dạy, học trên truyền hình, internet đang được khuyến khích. Ảnh: Bảo Trọng

Ông Kiều Văn Minh - Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho hay, đánh giá bước đầu đã có kết quả khả quan về mô hình dạy học trực tuyến và trên truyền hình. Một số đơn vị cung cấp phần mềm đã hỗ trợ tích cực tới nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.

Theo ông Minh, việc dạy, học trên internet có thể áp dụng nhiều hình thức khác nhau, như các phần mềm trực tuyến hay các ngân hàng bài giảng, bài tập.

Yêu cầu về học liệu, ông Kiều Văn Minh đề nghị các cơ sở giáo dục TP lưu ý nội dung bài giảng, bài tập phải theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT; nội dung phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, thuần phong mỹ tục; được lãnh đạo nhà trường phê duyệt nội dung.

Việc tổ chức dạy học trên internet, các nhà trường phải có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng các bài giảng theo đúng quy định, phê duyệt nội dung bài học, học liệu từ lãnh đạo nhà trường; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin.

Về dạy học trên truyền hình, Sở GD&ĐT phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện phát sóng đều đặn các kiến thức liên quan hằng tuần. Ở mô hình đào tạo này, phía Sở GD&ĐT TP yêu cầu phải có hạ tầng đảm bảo (tivi, thiết bị thu, phát sóng...). Với nhà trường, phải tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể do tính tương tác trực tiếp có nhiều hạn chế; chỉ đạo các tổ chuyên môn phân công, giao nhiệm vụ cho giáo viên để hướng dẫn học sinh học tập theo lịch phát sóng.

Bên cạnh đó, nhà trường phải tổ chức đánh giá kết quả học tập trên truyền hình với các học sinh. Đề nghị trước khi phát sóng, giáo viên phải gửi tài liệu liên quan đến từng bài giảng cho học sinh trước; thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ, kết quả học tập của học sinh qua từng bài, từng chương, từng nội dung.

Với cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT TP đề nghị phải tạo không gian riêng cho học sinh tiếp thu kiến thức trên truyền hình; thường xuyên phối hợp cùng giáo viên về mọi mặt liên quan công tác đào tạo để đạt kết quả tốt nhất.

Định hướng đánh giá, kiểm tra, theo ông Kiều Văn Minh, trước hết, cần đánh giá thường xuyên với các sản phẩm các học sinh gửi đến, như sản phẩm nghiên cứu, bài tham luận, thảo luận... để giáo viên có thể linh hoạt chấm điểm, lấy điểm để thay các bài kiểm tra như trước đây.

Ngoài ra, phía Sở GD&ĐT TP lưu ý các nhà trường 5 nội dung. Cụ thể, từng nhà trường xác định rõ, việc đảm bảo chất lượng đào tạo là thuộc về nhà trường, giáo viên; phải phân công cụ thể trách nhiệm từng lãnh đạo, nhân viên liên quan việc dạy học trên internet, truyền hình; nhà trường phải thường xuyên đánh giá để kịp thời uốn nắn (nếu có); giáo viên chủ nhiệm, bộ môn phải dành thời gian giúp các em học sinh nghiên cứu, tiếp cận, tiếp thu kiến thức, kỹ năng từ mô hình này; phải phối hợp chặt chẽ với giá đình học sinh trong quá trình học tập.