Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ngày 3/10 đã chỉ đạo các cơ quan ban, ngành về việc tăng cường quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Phó Chủ tịch Thành phố đã giao Sở Lao động, thương binh và xã hội cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư Công an Thành phố phối hợp với các Sở: Công thương, Xây dựng, Ngoại vụ, Ban quản lý các KCN và chế xuất, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện kiểm tra việc quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và báo cáo UBND Thành phố trước ngày 17/10/2011. Theo đó, các cơ quan nói trên có nhiệm vụ chỉ đạo các nhà thầu người nước ngoài phải có phương án sử dụng lao động Việt Nam và người nước ngoài trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của chủ đầu tư. Khi thực hiện hợp đồng, các nhà thầu nước ngoài phải thực hiện đúng nội dung đã nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về việc sử dụng lao động Việt Nam và người nước ngoài; báo cáo, đề nghị bằng văn bản với Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về việc tuyển dụng vị trí công việc, số lượng lao động, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc; Thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Hà Nội theo quy định của pháp luật trước khi người nước ngoài đến làm việc tại Hà Nội. Đối với chủ đầu tư phía Việt Nam, phải quy định nội dung về việc sử dụng lao động tai Việt Nam và lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, trong đó phải ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà lao động Việt Nam có khả năng thực hiện. Trường hợp gói thầu cần sử dụng người nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ quy định phải yêu cầu nhà thầu nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài cụ thể về vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc; Nhà thầu Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhà thầu nước ngoài thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam; theo dõi và quản lý người nước ngoài trong việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam tại nhà thầu nước ngoài; báo cáo Sở Lao động – Thương bình và Xã hội Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định nói trên, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm thì phải kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Công an Thành phố chỉ cấp thị thực cho người nước ngoài sau khi được cấp phép lao động, gia hạn hạn giấy phép lao động hoặc cấp lại giấy phép lao động. Không gia hạn tạm trú và buộc xuất cảnh đối với người nước ngoài làm việc tại Hà Nội khi chưa được cấp giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu…. Sở Kế hoạch và đầu tư có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra người nước ngoài đang làm việc tại tất cả các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu trên địa bàn tại thời điểm ngày 30/9. Quá trình kiểm tra phải làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật của nhà thầu nước ngoài, chủ đầu tư phía Việt Nam, của người nước ngoài và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Khi thanh kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định…. Các kết quả kiểm tra, thanh tra sẽ được Thành phố gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 31/10/2011 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo thống kê mới nhất từ Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ- TB &XH), lực lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm việc năm sau luôn tăng hơn năm trước. Cụ thể, năm 2008, số lượng người nước ngoài là 52.633 người, năm 2009 là 55.428 người và năm 2010 là 56.929 người. Hiện nay, theo số liệu mới nhất con số là trên 74.000 người.