Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội cần thêm không gian cho vận tải công cộng

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đề xuất ý tưởng cho xe buýt thường đi chung vào làn đường ưu tiên của xe buýt BRT.

Giới chuyên gia cho rằng, đây là ý tưởng cần được ủng hộ, thậm chí có thể tính đến phương án chuyển hóa làn đường ưu tiên của BRT thành làn dành riêng cho các phương tiện vận tải công cộng (VTCC).

Xe buýt BRT đang tăng trưởng tốt

Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải cho biết, gần đây một số dư luận cho rằng xe buýt BRT không đạt hiệu suất như mong đợi là rất phiến diện. “Bất kỳ loại hình vận tải nào cũng cần thời gian để tăng trưởng. Chỉ trong 4 tháng thực hiện, xe buýt BRT đã thu hút được 23% người dân có nhu cầu đi lại trên tuyến từ bỏ xe riêng để sử dụng xe buýt BRT. Trong bối cảnh người dân còn ưa chuộng phương tiện cá nhân như hiện nay mà đạt kết quả đó là thành công rất đáng khích lệ” - ông Hải chia sẻ.

23% người dân trên lộ trình tuyến buýt BRT 01 đã từ bỏ xe cá nhân, chuyển sang dùng xe buýt BRT.  Ảnh:  Ngọc Hải

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội, đến thời điểm này, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã vận chuyển gần 1,1 triệu lượt hành khách và lượng khách vẫn tiếp tục tăng chứ không giảm. Trong giai đoạn miễn phí ban đầu từ ngày 1/1 - 5/2, bình quân mỗi chuyến xe buýt BRT vận chuyển được 39 hành khách/lượt; 12.018 hành khách/ngày. Và từ khi thu phí, 6/2 - nay, bình quân mỗi chuyến xe buýt BRT vận chuyển được 42,5 hành khách/lượt; 14.472 hành khách/ngày. Những con số đó là minh chứng cho sự tăng trưởng tất yếu của một trong những loại hình VTCC khối lượng lớn ưu việt nhất hiện nay tại Hà Nội.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Hà Đông) nhìn nhận: “Tôi đã bỏ hẳn xe cá nhân, chuyển sang dùng xe buýt BRT để đi làm hàng ngày. Theo quan sát của tôi, nói xe buýt BRT vắng khách là quy chụp, không khách quan. Vào giờ thấp điểm, không chỉ xe buýt BRT mà bất cứ loại hình vận tải nào cũng thưa vắng”. Trên thực tế, có những chuyến buýt BRT giờ thấp điểm chỉ đạt 19,5 hành khách/lượt, bởi vào khung giờ đó nhu cầu đi lại của người dân không cao. Nhưng vào giờ cao điểm, xe buýt BRT đạt sản lượng bình quân 75,9 hành khách/lượt; thậm chí có chuyến xe đạt 90 hành khách/lượt. Nếu không ưu việt thì xe buýt BRT sao có thể thu hút được lượng khách tăng dần đều như vậy.

Cần tính kỹ phương án tổ chức giao thông

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông chia sẻ: “Muốn phát triển VTCC phải có quyết tâm, mạnh dạn làm chứ đừng ngồi một chỗ hồ nghi, tính toán sẽ không giải quyết được gì cả”.

Ông Nguyễn Trọng Thông nhận định, không chỉ xe buýt BRT mà cả buýt thường cũng cần có không gian lưu thông riêng, ý tưởng cho xe buýt thường chạy chung vào làn đường ưu tiên của xe buýt BRT rất đáng để thử nghiệm. “Hiện nay, xe buýt thường đang phải chạy chung làn với ô tô, đến điểm đón trả khách vẫn phải ra vào mép đường nơi cắm điểm dừng đỗ. Nếu đi chung làn với xe buýt BRT thì vẫn ra vào tại các điểm như vậy nhưng lại được thêm một phần không gian lưu thông cho phương tiện cá nhân. Vậy tại sao không thực hiện?” - ông Thông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo một số khó khăn cần phải tính đến nếu cho xe buýt thường đi chung vào làn xe buýt BRT. Cụ thể, cho buýt thường đi vào làn BRT có thể khiến buýt nhanh giảm tốc độ, phát sinh nguy cơ mất ATGT khi xe buýt thường liên tục phải chuyển làn, cắt ngang dòng phương tiện khi ra vào điểm… Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng đặt vấn đề: “Ưu điểm lớn nhất của xe buýt BRT là tốc độ, đáp ứng yêu cầu về thời gian hành trình của khách, nếu bị hạn chế mặt mạnh nhất, liệu xe buýt BRT có còn sức hút với hành khách hay không?”. Bên cạnh đó, việc mỗi lần chuyển làn đón khách lại cắt qua mặt cả dòng phương tiện trên đường cũng có thể khiến buýt thường trở nên phản cảm, thậm chí gây ùn tắc cục bộ, mất ATGT. Đây là vấn đề lớn cần cơ quan chức năng xem xét và thận trọng trong phương án tổ chức giao thông.

Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải cho biết, đơn vị đang khảo sát thực tế, xây dựng phương án thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn BRT trình UBND TP Hà Nội xem xét, dự kiến thời gian thí điểm khoảng 6 tháng.

Không có làn đường riêng, lưu thông chung với các loại phương tiện cá nhân là hạn chế lớn nhất của xe buýt hiện nay. TP cần có những biện pháp cụ thể, nhanh chóng phát triển hạ tầng riêng cho xe buýt cũng như VTCC để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Nguyễn Trọng Thông

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội


Ở nhiều nước phát triển, việc dùng chung làn đường ưu tiên cho các phương tiện VTCC là bình thường. Như ở Hàn Quốc, họ cho xe buýt thường, xe BRT, xe chở khách du lịch đi chung một làn. Vấn đề là họ tổ chức giao thông mạch lạc, ý thức của người tham gia giao thông rất cao nên họ làm được.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh

H4, Khu tập thể Sông Đà, ngõ 445 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân