Đó là những nội dung trong đề án “Quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2030” vừa được Sở Giao thông vận tải trình UBND thành phố xem xét thông qua. Tác nhân gây ùn tắc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 113 doanh nghiệp với hơn 15.000 xe taxi hoạt động. Mật độ chung toàn thành phố là 4,51 xe/km2 và 2,33 xe/1.000 dân; mật độ này là tương đối thấp hơn so với một số thành phố khác trong khu vực như Băng Cốc có 90.000 xe (57,3 xe/km2). Tuy nhiên, hầu hết (trên 80%) taxi hoạt động tại 10 quận nội thành, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, nhưng cũng là tác nhân gây ùn tắc giao thông, trong khi nhiều khu vực ngoại thành mật độ hoạt động taxi còn thấp. Theo Sở Giao thông vận tải, sự phát triển quá nhanh về số lượng xe taxi và phân bố không đồng đều trên địa bàn thành phố Hà Nội đã làm nảy sinh nhiều bất cập. Tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phổ biến tại đa số các nút giao thông trong giờ cao điểm do các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao thông đã quá tải. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường kinh doanh vận tải khách bằng taxi có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp taxi yếu về năng lực quản lý, hoạt động đầu tư mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, khi phương tiện xuống cấp không được bảo dưỡng đầy đủ hoặc chậm thay thế, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và giảm hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp hoạt động vận tải khách bằng taxi tuy nhiều nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ. Cụ thể, số hãng có số xe dưới 50 xe chiếm 43% số doanh nghiệp, và chỉ sở hữu 8% số phương tiện trên địa bàn; số hãng trên 50 xe và dưới 100 xe chiếm 18% số doanh nghiệp, sở hữu 10% số phương tiện trên địa bàn; trong khi đó doanh nghiệp có trên 100 xe chiếm 39% số doanh nghiệp, sở hữu hơn 82% số phương tiện trên địa bàn. Do sự cạnh tranh của nhiều hãng taxi nên nhiều hãng taxi chưa quan tâm đến chất lượng dịch vụ của mình, hầu hết là các hãng taxi nhỏ không đủ kinh phí và nhân lực để thực hiện việc đào tạo và giám sát nhằm nâng cao khả năng phục vụ. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có tiêu chuẩn tuyển dụng lái xe đơn giản. Tình trạng giành đường vượt ẩu vi phạm luật giao thông đường bộ của lái xe taxi diễn ra phổ biến. Vành đai 3 sẽ là ranh giới phân chia Để khắc phục tình trạng trên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, từ năm 2012 sẽ tạm dừng thành lập mới các doanh nghiệp kinh doanh taxi và số lượng taxi để chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp hiện có. Taxi hoạt động trong vành đai 3 phải nộp phí để đóng góp vào quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố. Sở Giao thông vận tải cũng tính đến việc phân vùng hoạt động taxi trên cơ sở lấy vành đai 3 của thành phố làm ranh giới chia làm 2 vùng bên trong vành đai 3 và bên ngoài vành đai. Việc này nhằm mục đích áp dụng các chính sách hạn chế phương tiện taxi phù họp với từng điều kiện của khu vực. Cụ thể là để hạn chế taxi hoạt động trong khu vực vành đai 3; taxi ở trong vành đai 3 được đón trả khách ở ngoài nhưng taxi hoạt động ngoài vành đai 3 không được vào trong đón trả khách. Từ nay đến 2015, toàn bộ taxi sẽ chuyển thành một màu sơn theo quy định của thành phố. Đối với vùng ngoài vành đai 3 các phương tiện hoạt động vận tải khách bằng taxi thống nhất màu sơn khác với màu sơn khu vực trong vành đai 3. Taxi hoạt động ở sân bay thống nhất màu sơn riêng. Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải cũng khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi đầu tư phương tiện taxi hỗ trợ người khuyết tật. Doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo ít nhất 30% số phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG) trong cơ cấu đoàn xe hoạt động. Bên cạnh đó, cần quy hoạch và lắp đặt các trạm nạp nhiên liệu sạch (CNG, LPG, LNG) ở vị trí thuận lợi cho vận hành xe taxi.