Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Cho mượn sổ đỏ, “mất trắng“ nhà

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là bài học cho mọi người đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để chiếm đoạt tài sản đất và gắn liền với đất.

Vì cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật, ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1964, ngụ thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) đồng ý cho người quen biết mượn “sổ đỏ” nhà mình để vay vốn ngân hàng. 1 năm sau, khi cả gia đình bị người ta đuổi ra khỏi nhà thì khổ chủ mới hay mình đã bị lừa.

Tán gia bại sản vì tin người

 

Theo trình bày của ông Sơn, vợ chồng ông quen biết với Trần Trung Dũng (SN 1977, hộ khẩu tại số 2 Trần Hưng Đạo, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây; sinh sống tại thôn 9, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) cách đây 4-5 năm.

 

Tháng 6/2010, ông Sơn thế chấp 1.148,9 m2 đất ở và đất vườn của gia đình để vay cho Dũng 300 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Văn Miếu (thị xã Sơn Tây). Theo thỏa thuận, hàng tháng Dũng có trách nhiệm trả tiền lãi cho ngân hàng. Thời hạn vay vốn là 3 năm nhưng Dũng đã trả hết tiền cho ngân hàng trong 1 năm.

Đầu tháng 6/2011, Dũng lại đề nghị ông Sơn cho mượn “sổ đỏ” để thế chấp ngân hàng. Nghĩ Dũng là chỗ thân quen nhiều năm, ông Sơn đồng ý cho Dũng mượn “sổ đỏ” để vay tiền ngân hàng trong 5 năm.

 

Ngày 22/6/2011, Dũng đã viết giấy mượn “sổ đỏ” của ông Sơn, đồng thời đề nghị ông Sơn ký một số giấy tờ do một người được giới thiệu là “cán bộ ngân hàng” đi cùng đưa ra. Cả tin, ông Sơn đã ký các giấy tờ này dù không biết chúng mang nội dung gì.
 
Hà Nội: Cho mượn sổ đỏ, “mất trắng“ nhà - Ảnh 1
 
Căn nhà lầu này đã không còn thuộc về gia đình ông Sơn.

Sau đó, Dũng tiếp tục “nhờ” ông Sơn làm thủ tục sang tên “sổ đỏ” cho Dũng “để vay được nhiều tiền hơn”. Do không hiểu biết pháp luật, ông Sơn đã làm theo “lời nhờ vả” này, trong lòng rất yên tâm vì đã có “giấy cam kết mượn sổ đỏ” của Dũng rồi.

 

Cuối tháng 5/2012, anh Nguyễn Thanh Tùng (hộ khẩu tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất) đưa một số người đến tuyên bố nhà đất mà gia đình ông Sơn đang sinh sống đã được vợ chồng Dũng gán nợ, chuyển tên thành của anh Tùng. Do đó, anh Tùng yêu cầu gia đình ông Sơn bàn giao nhà đất này.

 

Đi tìm vợ chồng Dũng để “hỏi cho ra nhẽ”, ông Sơn “ngã ngửa” khi biết Dũng “không có nhà” đã lâu, chỉ còn vợ Dũng ở lại địa phương. Thì ra, sau khi được ông Sơn sang tên “sổ đỏ”, ngày 17/12/2011, Dũng đã mang “sổ đỏ” này đến tiệm cầm đồ của anh Nguyễn Tuấn Dũng (ở 87 Ngô Quyền, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây) để cầm cố và vay 1 tỷ đồng, thời hạn 3 tháng. Sau đó, Dũng không trả được nợ nên đồng ý gán nợ nhà đất đã cầm cố cho chủ tiệm cầm đồ. Bằng cách này cách khác, cuối cùng “sổ đỏ” từng mang tên ông Sơn nay đã đứng tên anh Nguyễn Thanh Tùng.

 

Đến ngày 15/8/2012, với lý do nhà đất đã sang tên mình, anh Tùng đã cho người đến “đưa” chủ cũ ra khỏi nhà đất này. Mới đây, khu nhà đất từng thuộc về ông Sơn đã biến thành trụ sở của Công ty TNHH Đô Thành. Còn ở phía bên ngoài, vợ chồng ông Sơn phải dựng tạm một túp lều để sinh hoạt.

 

Theo trình bày của vợ ông Sơn, không chỉ lừa bán mất nhà đất của gia đình bà, Dũng còn mượn chiếc xe máy hiệu Exciter BKS 30Y-6295 và 28 triệu đồng của ông bà, đến nay chưa trả. Như vậy là, toàn bộ gia sản, tài sản mà vợ chồng bà tích cóp bao năm nay đã bị Dũng lừa hết.

 

Bài học cảnh giác

 

Trao đổi với phóng viên ông Phùng Xuân Hồng (Trưởng Văn phòng Công chứng số 8, TP.Hà Nội) cho biết, vợ chồng ông Sơn đã đến văn phòng công chứng và ký vào văn bản chuyển nhượng nhà đất của mình cho vợ chồng Dũng. Sau đó, nhà đất này lại được chuyển nhượng cho anh Nguyễn Thanh Tùng. Như vậy là hoàn toàn đúng trình tự pháp luật.

 

Bình luận về “giấy cam kết mượn sổ đỏ” mà Dũng đã viết cho ông Sơn, ông Hồng nói: “Giấy cam kết mượn “sổ đỏ” này hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì sau khi làm thủ tục chuyển nhượng, mảnh đất ấy do anh Dũng toàn quyền quyết định vì đó đã trở thành tài sản của anh ta”.

 

Còn Luật sư Chu Mạnh Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) thì cho rằng: “Trong thời gian vừa qua, việc “mượn” sổ đỏ, ủy quyền liên quan đến sổ đỏ, dùng sổ đỏ bảo lãnh cho người khác vay vốn rồi bị mất nhà đất... xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Nguyên nhân chính là do người có sổ đỏ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật nên dễ bị các đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng”.

Tuy nhiên, Luật sư Cường cho rằng việc xử lý đối với các trường hợp này không đơn giản, bởi vì đa số các vụ việc, theo trình bày của phía người bị hại thì do bị người khác dụ dỗ, thuyết phục, lừa dối dẫn đến khi sự việc xảy ra, có người, ngân hàng đến lấy nhà đất mới biết bị lừa. “Ở trường hợp này, ông Sơn đã không biết rằng việc mình làm thủ tục chuyển nhượng sang tên mảnh đất đồng nghĩa với việc ông Sơn đã giao toàn bộ tài sản của mình cho người khác toàn quyền định đoạt”.

 

Về hướng giải quyết vụ việc, Luật sư Cường nhận định: “Để giải quyết hậu quả của việc này sẽ là trách nhiệm của vợ chồng Dũng đối với ông Sơn về mặt tiền bạc mà thôi. Ở đây, nếu ông Sơn chứng minh được việc giữa ông và Dũng có thỏa thuận chuyển nhượng nhà đất cho Dũng để Dũng vay tiền chứ không được sang tên cho người khác thì vụ việc có dấu hiệu hình sự của hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt”.

 

Luật sư Cường nhấn mạnh, nếu vợ chồng ông Sơn có đủ căn cứ chứng minh các đối tượng liên quan đã có hành vi gian dối, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của gia đình ông thì ông Sơn có quyền gửi đơn đến cơ quan công an nhờ can thiệp, truy cứu trách nhiệm hình sự của đối tượng và bảo vệ quyền lợi cho mình.

 

“Ở góc độ khác, đây cũng là bài học cho mọi người đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để chiếm đoạt tài sản đất và gắn liền với đất”, Luật sư Cường nói.