Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội "chốt" 3 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu chương trình Sữa học đường

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/10, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hà Nội vừa chính thức hoàn thành mở thầu cho các DN tham gia đấu thầu chương trình Sữa học đường của TP.

Hình ảnh cổ động cho Ngày hội sữa học đường thế giới tại Anh (được FAO và LHQ phát động từ năm 2000, được tổ chức vào thứ 4 cuối cùng của tháng 9 hàng năm).
Theo thông tin của báo Kinh tế & Đô thị, hiện có 3 đơn vị là Vinamilk, một công ty con của TH True milk và Công ty Thịnh Anh chính thức tham gia đấu thầu chương trình Sữa học đường của Hà Nội. Theo luật, sau khi mở thầu, sẽ đánh giá hồ sơ mời thầu trong thời gian không quá 45 ngày mới "chốt" công bố tên đơn vị trúng thầu. Quy trình thực hiện sẽ đánh giá hồ sơ kĩ thuật và năng lực. Sau đó, nhà thầu nào qua được bước đó, tiếp tục mở gói thầu tài chính và đánh giá tiếp.
Với gói thầu trong nước, thời gian từ khi mở thầu đến khi kết thúc không được quá 45 ngày với gói thầu trong nước và không quá 60 ngày với gói thầu nước ngoài. Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết: Hiện đơn vị đã bàn giao cho đơn vị tư vấn độc lập đánh giá, sau đó sẽ báo cáo cho chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn độc lập được Sở GD&ĐT thuê ngoài và bảo mật tuyệt đối về thông tin.
Ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1340/QĐ-TTg về chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020; và Công văn chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT; UBND TP Hà Nội giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban ngành liên quan xây dựng Đề án thực hiện chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP Hà Nội. Đề án góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực nguồn nhân lực tương lai của Thủ đô Hà Nội; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học hàng ngày đến trường đều được uống sữa tươi đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Đề án này dành cho tất cả trẻ em tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, không phân biệt công lập hay dân lập và phụ huynh tự nguyện tham gia.
Trong cuộc họp sáng 12/10, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, hiện nay Hà Nội có 1.108 trường mầm non và 737 trường tiểu học nhưng không phải trường nào cũng có sữa cho học sinh uống. Vì vậy, khi tham gia đề án sữa học đường, nếu có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, tất cả các em sẽ được uống sữa. Tuy nhiên, sau khi triển khai Chương trình, mặc dù Sở đã tiến hành họp báo thông tin cụ thể về các thắc mắc của dư luận, tổ chức hội nghị trực tuyến đến hiệu trưởng các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn, nhưng vẫn có nhiều người chưa hiểu được hết giá trị và ý nghĩa của Chương trình; nhiều phụ huynh còn thắc mắc về chất lượng nguồn sữa đặc biệt DN nào sẽ tham gia cung cấp.
Tại cuộc họp sáng 12/10, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng khẳng định: Sắp tới Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai hội nghị trực tuyến tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích và cách thức triển khai chương trình Sữa học đường đến các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn TP. Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, Chương trình Sữn học đường là đề án rất nhân văn, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã triển khai. Hà Nội sẽ triển khai công khai minh bạch, đảm bảo chất lượng sữa tốt nhất cho học sinh. Thủ tục đấu thầu sẽ thực hiện theo đúng quy định.