Quyết tâm không để dịch sởi bùng phát như dịch sốt xuất huyết vừa qua là mục tiêu đặt ra trong công tác phòng dịch bệnh mùa Đông Xuân 2018.
Hơn 30.000 trẻ có nguy cơ mắcGiám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, tính đến nay, toàn TP đã ghi nhận 63 ca mắc dương tính với virus sởi, 1 ca tử vong. Nếu những tháng đầu năm 2017 chỉ ghi nhận 1 - 2 ca/tháng, thì từ tháng 9, trung bình mỗi tháng ghi nhận trên 10 ca mắc. Theo điều tra của Trung tâm, khoảng 48% số trẻ mắc sởi đến khám hoặc điều trị tại các Bệnh viện Nhi T.Ư, Xanh Pôn, Đức Giang… Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng ở Hà Nội luôn đạt trên 95%, song trong vòng 5 năm gần đây vẫn có tới 14.370 trẻ dưới 1 tuổi và 18.265 trẻ từ 1 - 2 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Như vậy, hiện nay trên toàn TP có khoảng 32.000 trẻ có nguy cơ mắc sởi cao.
|
Tiêm phòng cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Tại quận Đống Đa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Lê Hoàng Ngân cho biết, tính đến 15/11 có 5 trường hợp mắc sởi, cả 5 trẻ đều chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Cụ thể, 1 trẻ mắc ở 8 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm), 2 trường hợp đến lịch tiêm nhưng hoãn do ốm, 2 trường hợp từ 12 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm đủ mũi. Bà Ngân chia sẻ, hiện nay, việc khai thác lịch sử tiêm chủng khó do hệ thống quản lý chưa đồng bộ giữa tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng theo chương trình quốc gia. Đồng thời, theo dõi trực tiếp tại các hộ gia đình cũng bất cập do tình trạng di dân trên địa bàn cao, nhiều người lo tai biến trong tiêm chủng, nên từ chối tiêm tại trạm y tế phường, thậm chí nhiều gia đình từ chối cung cấp lịch sử tiêm chủng của trẻ.
Tăng tỷ lệ tiêm chủngCục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đánh giá cao sự chủ động của Hà Nội trong phòng dịch bệnh mùa Đông Xuân, đặc biệt là dịch sởi. Ông Phu nhấn mạnh, chỉ có tiêm chủng mới giải quyết dứt điểm được bệnh sởi, do vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh rà soát và tiêm vét các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Việc rà soát, khai thác lịch sử tiêm chủng phải làm tổng thể nhưng phải có cách làm hiệu quả để không tốn sức. Điều tra trong cộng đồng thông qua cộng tác viên dân số phải có biểu mẫu cụ thể để dễ dàng tổng hợp. Hà Nội đã lọc được danh sách trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi có nguy cơ mắc sởi nhưng cần gửi danh sách đó về xã, phường. Đối với những trường hợp không hợp tác có thể lập danh sách riêng gửi lên chính quyền địa phương để tìm cách giải quyết.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền lưu ý các trung tâm y tế quận, huyện ưu tiên nguồn lực cho công tác tiêm chủng tại thời điểm này. Hiện nay, Hà Nội đã tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần để những trường hợp trẻ đến lịch tiêm phải hoãn vì ốm sẽ được tiêm bổ sung ngay tuần sau, giảm tình trạng quá tải tại các điểm tiêm vào ngày 4 và 5 hàng tháng. Tại các bệnh viện cần tăng cường công tác giám sát, phân luồng bệnh nhân sốt phát ban, nghi sởi khi đến khám. Đồng thời, chú trọng cách ly người bệnh khi điều trị tại bệnh viện và trong cộng đồng. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền đến người dân về các biện pháp phòng chống bệnh, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tiêm vaccine phòng bệnh, các dấu hiệu nhận biết và cách xử lý khi mắc.