Sáng 4/12, HĐND TP đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về việc ban hành Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô, theo quy định tại khoản 3b, Điều 11, Luật Thủ đô.
Theo Nghị quyết, danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô gồm: Phố cổ: 79 phố; Làng cổ: 01 làng (làng Đường Lâm gồm các thôn: Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Lâm, Đông Sàng, Đoài Giáp và khu vực phụ cận là các thôn Phụ Khang, Hưng Thịnh, Văn Miếu, Hà Tân); Làng nghề truyền thống tiêu biểu: 07 làng nghề (Làng nghề Sơn khảm thôn Ngọ (huyện Phú Xuyên); Làng nghề Sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín); Làng nghề Mây tre đan thôn Phú Vinh (Chương Mỹ); Làng nghề Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); Làng nghề Dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); Làng nghề Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Làng nghề Gỗ mỹ nghệ Thiết Úng (huyện Đông Anh);
Biệt thự cũ: 225 biệt thự cũ (quận Ba Đình: 115 biệt thự; quận Hoàn Kiếm: 86 biệt thự; quận Hai Bà Trưng: 21 biệt thự; quận Tây Hồ: 3 biệt thự); công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954: 41 công trình (quận Hoàn Kiếm: 26 công trình; quân Ba Đình 13 công trình; quận Hai Bà Trưng: 1 công trình; quận Tây Hồ: 1 công trình);
Di sản văn hóa phi vật thể: 02 di sản gồm: Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng; hát Ca trù.
Theo tờ trình của UBND TP, để có được danh sách trên UBND TP đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo căn cứ ý kiến phát biểu của các đại biểu HĐND TP và kết luận của Chủ tọa kỳ họp lần thứ 7 HĐND TP chuẩn bị, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Quá trình thực hiện đã có điều tra khảo sát thực tế tại địa phương, góp ý của các chuyên gia, các nhà quản lý, UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tư pháp thẩm định...
Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa-Xã hội, tán thành sự ban hành nghị quyết để tập trung nguồn lực bảo tồn văn hóa, biệt thự cũ, thống nhất số biệt thự nhóm 1 để bảo tồn, tuy nhiên nhóm 2 cũng cần phải được bảo vệ.
Thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Xuân Diên - tổ Ứng Hòa, đề nghị UBND TP xem xét, đánh giá toàn diện hơn nữa, rà soát từ làng cổ, biệt thự, công trình xây dựng trước năm 1954. “Biệt thự cũ có nhiều loại hình: Sở hữu nhà nước, chủ sở hữu tư nhân nhưng trong Tờ trình đánh giá chưa sâu về việc quản lý, sử dụng những biệt thự cũ này. Hiện nay, hiện trạng những biệt thự cũ ra sao? Và để bảo tồn trong thời gian tới mỗi căn biệt thự cần đầu tư bao nhiêu…” - ĐB Diên nhận định.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hoài Nam - tổ Hai Bà Trưng cảm thấy làng nghề chưa tương xứng tầm Thủ đô. “Việc chọn ra những làng nghề truyền thống tiêu biểu là cách để tạo ra động lực, sự phấn khích cho các làng nghề. Đây là danh hiệu, thương hiệu tạo điều kiện cho làng nghề phát triển” - ĐB chia sẻ. Đồng tình với ĐB Nam, ĐB Nguyễn Doãn Hoàn - tổ Thạch Thất, cũng đề nghị việc tôn vinh làng nghề truyền thống phải làm kỹ hơn, đánh giá toàn diện để xứng tầm Thủ đô.
Cũng về nội dung làng nghề tiêu biểu, “Theo báo cáo có 207 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống. Nghề có tuổi trên 50 năm trở lên, từ tiêu chuẩn đó có, tuy nhiên làng nghề truyền thống tiêu biểu có 7 làng nghề có tuổi trên 300 năm. Vậy 200 làng nghề truyền thống còn chưa rõ năm tuổi, các kỳ họp sau có thể đưa được làng nghề nào không” - ĐB Nguyễn Đình Dương - tổ Từ Liêm đặt câu hỏi.
“Nghị quyết có tên Nghị quyết về việc ban hành Danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô, nếu như đơn thuần chỉ là ban hành danh mục phải ban hành đầy đủ... Nếu theo Điều 11 Luật Thủ đô thì tên của Nghị quyết cần bổ sung thêm phần tập trung nguồn lực để bảo tồn. Còn nếu chỉ Ban hành danh mục thì theo tôi cần ban hành đầy đủ tất cả các hạng mục”- ĐB Hồ Quang Lợi - tổ Hai Bà Trưng nêu ý kiến.
Trước nhiều ý kiến của đại biểu tập trung vào biệt thự cũ và làng nghề, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã làm rõ thêm: Về biệt thự, UBND TP đã làm rất công phu, cẩn thận. “Loại 1: Bảo tồn là phải nguyên bản, nguyên trạng nếu hỏng thì phải phục chế, phục dựng lại như cũ. Loại 2: Có giá trị nhưng không phải tinh túy như loại 1 thì được phép tôn tạo, nhưng đảm bảo không gian gần như cũ. Loại 3: Xây lại theo đúng quy hoạch, quy chuẩn... Tập trung nguồn lực bảo tồn là trách nhiệm của chúng ta và không phân biệt sở hữu” - Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Kết thúc thảo luận, HĐND TP Hà Nội đã đồng tình với Dự thảo Nghị quyết và tên sửa đổi, số đại biểu tán thành là: 77,9%.
Nghị quyết này sẽ có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Kinhtedothi - Du khách tham quan làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông) và mua sản phẩm. |
ĐB Hồ Quang Lợi - tổ Hai Bà Trưng phát biểu ý kiến.
|
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo.
|