Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, TP đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo và quyết liệt triển khai chỉ đạo. Nỗ lực này đã giúp Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo sớm 2 năm, số hộ gia đình có thu nhập khá ngày càng tăng lên.

Lãnh đạo phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) trao hỗ trợ cho 3 hộ thoát cận nghèo. Ảnh: Oanh Trần
Nhiều cách hỗ trợ hộ cận nghèo
Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi đến thăm gia đình bà Đào Thị Lý – 1 trong 17 hộ mới ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của quận Cầu Giấy. Trái với không khí nhộn nhịp bên ngoài phố Nghĩa Tân, con ngõ dẫn vào nhà bà Lý rộng rãi và yên tĩnh. Nguyễn Thị Phương Anh – con gái út bà Lý chia sẻ: “Bố em bị bệnh tâm thần không thể làm việc. Mẹ là chủ gia đình nhưng bị suy thận giai đoạn cuối, vừa mới mổ ghép thận. Anh trai em bị tự kỷ từ nhỏ. Bà ngoại 78 tuổi, hàng ngày ra chợ bán hàng mã nhưng lãi chẳng bao nhiêu. Ngoài thời gian học đại học, em tranh thủ cộng tác với một kênh truyền hình. Gia đình em luôn nhận được sự quan tâm của tổ dân phố, phường, quận, cộng với tiền cho thuê phòng trọ nên đã vươn lên mức trung bình”.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – công chức Văn hóa – Xã hội phường Nghĩa Tân cho biết, cuối năm 2019, phường Nghĩa Tân có 3 hộ trong diện cận nghèo. UBND phường đã đưa ra một số giải pháp hỗ trợ như: Tận dụng tối đa các chế độ chính sách của Nhà nước áp dụng cho hộ cận nghèo. Căn cứ vào đặc điểm của từng hộ, phường phân tích nguyên nhân dẫn đến cận nghèo, nhu cầu hỗ trợ. Ví dụ, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí 100%, tặng xe máy gần 20 triệu đồng, sổ tiết kiệm để tạo vốn kinh doanh. Ngoài ra, kêu gọi các tổ chức từ thiện trao quà dịp lễ Tết, tặng gạo cho hộ thoát cận nghèo ăn trong một năm. “Khi nhận được sự quan tâm đó, các hộ gia đình ổn định được cuộc sống ở mức trung bình, phấn đấu làm ăn, tự nguyện viết đơn thoát cận nghèo. Cho đến tháng 3 và 4/2020, phường Nghĩa Tân không còn hộ cận nghèo” – bà Nguyễn Thị Lan Anh cho hay.

Kết quả giảm hộ cận nghèo ở phường Nghĩa Tân đã góp phần đưa quận Cầu Giấy là địa phương thứ hai ở Hà Nội, sau quận Hai Bà Trưng đến nay không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trưởng phòng LĐTB&XH quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng phấn khởi cho biết: Đến cuối năm 2019, Cầu Giấy còn 17 hộ nghèo. Phòng LĐTB&XH đã tham mưu cho quận để triển khai các biện pháp phù hợp với từng hộ và đến ngày 30/5, Cầu Giấy đã giải quyết xong 100% hộ cận nghèo. Để giảm nghèo bền vững, chúng tôi duy trì các chính sách tặng sổ tiết kiệm, nuôi đỡ đầu, tặng thẻ BHYT, hỗ trợ trang thiết bị, học phí...

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Đến thời điểm này, toàn TP Hà Nội có 8 quận và 3 huyện không còn hộ nghèo; trong đó có 2 quận không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là sự nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm của TP cũng như các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố, thôn trong công tác giảm nghèo bền vững suốt nhiều năm qua. Theo đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, TP Hà Nội đã ban hành chuẩn nghèo riêng. Năm 2016, toàn TP có 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ dân và có 34.005 hộ cận nghèo chiếm 1,89%. TP đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đồng bộ, quyết liệt như hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; miễn học phí cho 38.211 lượt học sinh nghèo và giảm học phí cho 51.447 lượt học sinh thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ 60.282 lượt học sinh chi phí học tập từ nguồn ngân sách và xã hội hóa... Cũng trong giai đoạn 2018 - 2020, đã có hơn 5.600 hộ nghèo được hỗ trợ xây sửa nhà ở xuống cấp, hư hỏng; 6.087 hộ nghèo, 6.608 hộ cận nghèo được vay vốn, với số tiền trên 501,3 tỷ đồng... Từ chỗ TP có 3,64% hộ nghèo năm 2016 đến tháng 6/2020 TP giảm xuống còn 0,42%, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của TP giai đoạn 2016 – 2020. Hiện, TP Hà Nội chỉ còn 8.754 hộ nghèo.

Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội, thời gian qua, nhiều quận, huyện, thị xã của TP đã có những giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, gắn với xây dựng nông thôn mới để giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Không ít địa phương hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là những căn nguyên cơ bản để TP có được những kết quả tích cực trong thời gian qua, cũng là cơ sở để phấn đấu cơ bản tiến tới không còn hộ nghèo, cận nghèo.

Đến nay, các hộ gia đình chính sách trên địa bàn quận Cầu Giấy đều có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú. Thời gian tới, ngoài các chính sách hiện hành của Nhà nước, quận và phường sẽ sử dụng các nguồn xã hội hóa để tặng sổ tiết kiệm cho các chủ hộ, nhận nuôi đỡ đầu con em, miễn giảm học phí, tiếp tục huy động DN hỗ trợ gạo, tặng thẻ BHYT.

Trưởng phòng LĐTB&XH Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng

Bằng các biện pháp trợ giúp, cuối năm 2019, Đông Anh không còn hộ nghèo. Đến nay toàn huyện còn 1.193 hộ cận nghèo, chiếm 1,15%. Bài học trong công tác giảm nghèo của Đông Anh là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; ban hành chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hỗ trợ hộ nghèo... Cùng với đó là sự tham gia tích cực của các ban, ngành, hội, đoàn thể; sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, DN, tổ chức, cá nhân hỗ trợ những hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất.

Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần