Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội có thêm 334 sản phẩm OCOP

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/11, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP Hà Nội tổ chức phân hạng đợt 1 với 334 sản phẩm của 84 chủ thể ở 10 đơn vị cấp huyện.

Toàn cảnh buổi đánh giá.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chánh văn Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Tính đến nay, Văn phòng đã tiếp nhận 344 hồ sơ của 88 chủ thể có sản phẩm tham dự đánh giá, phân hạng cấp TP của 10 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra hồ sơ có 334 hồ sơ của 84 đủ điều kiện, còn lại 10 hồ sơ của 4 chủ thể chưa đủ điều kiện đánh giá phân hạng đợt 1 năm 2020. Tổ tư vấn đã hướng dẫn các chủ thể về tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng đợt 2 năm 2020.
Kết quả đến nay, qua 10 lần đánh giá, Tổ tư vấn đã đánh giá được tổng số 334 sản phẩm đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, nhóm ngành thực phẩm 227 sản phẩm, chiếm 68%; ngành đồ uống 8 sản phẩm, chiếm 5%; ngành thảo dược 3 sản phẩm, chiếm 1%; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí 75 sản phẩm, chiếm 22%; ngành vải, may mặc 11 sản phẩm, chiếm 3%). Trong đó, dự kiến đề xuất Hội đồng phân hạng 3 sao: 109 sản phẩm, 4 sao: 217 sản phẩm, 5 sao: 8 sản phẩm.
Số lượng các sản phẩm gửi về tham gia đánh giá, phân hạng đa dạng về chủng loại, mang những nét đặc trưng, thế mạnh của các địa phương. Các sản phẩm đều thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hóa theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Sản phẩm nho Hạ Đen ở Đan Phượng được đánh giá 4 sao.
Ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ thêm: Do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khối lượng công việc dồn về cuối năm nhiều. Hiện nay, đang là dịp cuối năm nên các thành viên Tổ tư vấn gặp khó khăn về bố trí thời gian tham gia đánh giá, phân hạng. Thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là một nhiệm vụ mới đối với các thành viên Tổ tư vấn, do đó trong quá trình thực hiện đánh giá đã gặp một số khó khăn như việc chấm điểm của một số thành viên còn chênh lệch nhau quá 10 điểm, nên Tổ tư vấn phải thảo luận để thống nhất chấm lại.
Trên cơ sở kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm của Tổ tư vấn, đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP TP cho ý kiến và đánh giá, phân hạng sản phẩm vòng 1. Sau khi có kết quả phân tích nhóm sản phẩm có liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những sản phẩm không đảm bảo an toàn thì Hội đồng sẽ không đánh giá, phân hạng vòng 2 và yêu cầu chủ thể tiếp tục về hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm để dự thi vào các đợt tiếp theo. Những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đề nghị Hội đồng bảo lưu kết quả vòng 1 sang vòng 2.
Các sản phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng cao.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Năm 2019, Hà Nội có 301 sản phẩm OCOP. Sau khi đưa ra thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận. Đây là tin vui cho chủ thể sản phẩm nói riêng và của ngành nông nghiệp nói chung.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành địa phương tổ chức nhiều buổi giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng đánh giá cao. Năm 2020, TP tiếp tục phân hạng cho 700 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP của TP lên 1.000 sản phẩm.
Để việc đánh giá đạt kết quả cao, ông Chu Phú Mỹ đề nghị Tổ các thành viên trong tổ tư vấn đánh giá cần làm việc trách nhiệm, xây dựng đánh giá công bằng, nghiêm túc, để lựa chọn các sản phẩm thực sự tiêu biểu của ngành nông nghiệp Hà Nội. Việc đánh giá cũng là dịp để các chủ thể sản xuất kiểm tra lại quy trình, phương thức lập hồ sơ, để sản xuất an toàn hơn.