Triển khai chương trình hoạt động đối ngoại năm 2016 của TP Hà Nội, trong đó có tăng cường đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các đối tác nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế, chiều 23/3, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm xúc tiến đầu tư - thương mại “Gặp gỡ Hoa Kỳ”.
Thể hiện mong muốn là đối tác tin cậy
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh về tiềm năng cũng như triển vọng trong phát triển kinh tế giữa Việt Nam - Hoa Kỳ nói chung và Hà Nội với các DN Hoa Kỳ nói riêng. Cụ thể hóa các cam kết thành hành động, trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp xúc, lắng nghe ý kiến từ cộng đồng DN, trong đó có các nhà đầu tư (NĐT) Hoa Kỳ.
Giữa tháng 4/2016, TP sẽ tổ chức gặp gỡ DN trong nước và nước ngoài; Công bố danh mục kêu gọi đầu tư 2016 và giai đoạn 2016 – 2020; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DN… đang là những ưu tiên trong thời gian tới. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tăng sức cạnh tranh đang được triển khai quyết liệt nhằm hỗ trợ DN, trong đó có những DN FDI giải quyết hồ sơ, tham gia sản xuất, kinh doanh thuận lợi, TP cũng tập trung các chính sách an sinh xã hội, trong đó có cả người lao động trong khu công nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để ổn định chính trị, xã hội, giúp DN có điều kiện tăng sức cạnh tranh. Với rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, kết cấu hạ tầng ngày một hoàn thiện…, Hà Nội cũng đã có những hướng làm hiệu quả trong việc bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ (TP giao trực tiếp Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực này), đồng thời thành lập trung tâm xúc tiến đầu tư để các DN, NĐT tiếp cận thông tin tốt nhất... Đây là những hành động cụ thể thể hiện mong muốn là đối tác tin cậy của các NĐT nước ngoài, trong đó có các DN Hoa Kỳ.
Động lực tích cực từ TPP
Với việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cách đây hơn 20 năm không chỉ mở đường cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà các NĐT Hoa Kỳ cũng có thêm những cơ hội mới khi đầu tư vào Việt Nam, vào Hà Nội. Và thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có những đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… được TP Hà Nội rất quan tâm. Chính vì thế, cuộc đối thoại Hà Nội với các đối tác Hoa Kỳ không chỉ là nơi gặp gỡ, trao đổi, kết nối mở rộng quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư mà còn là dịp để thông tin về tình hình, triển vọng và cơ hội cũng như nỗ lực của Hà Nội trong việc kêu gọi đầu tư, nhất là các NĐT Hoa Kỳ. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có những tiến triển tích cực, được coi là động lực để các NĐT nước ngoài gia tăng đầu tư vào Hà Nội nói riêng, vào Việt Nam nói chung. Điều đó thể hiện khá rõ khi năm 2015, vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Hà Nội là 1 tỷ USD; trong tháng 2/2016, Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 287,6 triệu USD, chiếm 10,2% vốn FDI vào Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá: TPP đang mở ra cơ hội đầu tư, thương mại mạnh mẽ, đặc biệt là giữa Việt Nam – Hoa Kỳ. Hướng tới mục tiêu kim ngạch 45 tỷ USD trong thời gian tới, hai nước đang là đối tác quan trọng. Chính vì thế Tọa đàm Hà Nội – Hoa Kỳ lần này không chỉ ghi nhận sự nỗ lực của TP Hà Nội, mà còn là một cách làm mới trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, dỡ bỏ những rào cản vì lợi ích của hai bên...
Tìm thấy sự bổ trợ khi là đối tác
Trong thời gian qua, về chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài, Hà Nội tập trung thu hút các dự án có chất lượng, có giá trị tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ nhằm cung ứng đầu vào linh, phụ kiện cho các nhà máy sản xuất ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao nhằm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Với kỳ vọng đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức, chắc chắn các NĐT và thị trường Hoa Kỳ luôn là đối tượng được hoan nghênh và ưu tiên đầu tư của Hà Nội. Thời gian qua, những thương hiệu lớn của Hoa Kỳ như IBM, Cisco, Oracle, Motorola, Fedex và một số dự án do các NĐT Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam thông qua công ty con tại nước thứ ba như dự án của Tập đoàn Coca-Cola, City Bank, Công ty bảo hiểm ACE… đã được nhiều người biết đến. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Hà Nội với Hoa Kỳ năm 2015 đạt 3,43 tỷ USD, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, cơ kim khí, nông sản, linh kiện điện tử - vi tính, giày dép, cặp túi các loại, thủ công mỹ nghệ, hóa chất…
“Qua các số liệu trên cho thấy, hợp tác đầu tư - thương mại giữa Hà Nội với Hoa Kỳ còn ở mức rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của hai bên” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhìn nhận. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho hay, với tăng trưởng kinh tế ổn định, môi trường kinh doanh đã thông thoáng hơn, trong thời gian tới, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhiều NĐT. Các NĐT Hoa Kỳ còn nhìn thấy khi đầu tư vào Việt Nam, lợi thế của hàng hóa giữa hai nước không có sự cạnh tranh lớn mà có tính bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện các cam kết, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn lao động, sở hữu trí tuệ, phát triển DN tư nhân… “Sự hợp tác này được dựa trên hai chữ: Đối tác” - Đại sứ Ted Osius khẳng định.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Tọa đàm, chiều 23/3. Ảnh: Anh Quý
|
Ông Jeff Olson - Công ty Luật Thương mại quốc tế Hogan Lovells: Cần điều chỉnh chính sách để TPP được thực hiện suôn sẻ Tôi đánh giá cao việc Việt Nam cam kết cải cách về vấn đề pháp lý và mở cửa đầu tư để các DN Hoa Kỳ có thể thuận lợi tiếp cận thị trường này. Việt Nam cần củng cố sự tiếp cận của các DN vừa và nhỏ tới “làn sóng” TPP; đồng thời chính quyền cũng nên có những điều chỉnh chính sách để đảm bảo quá trình TPP đi vào hiệu lực suôn sẻ. Dù xét về GDP hay trình độ phát triển, các quốc gia nội khối có sự chênh lệch nhất định, nhưng theo tôi, các quốc gia đều có thể học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch, rõ ràng cũng là ưu tiên hàng đầu của các DN nước ngoài. Ông Stuart Schaag - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam: Việt Nam cần phải biết “chào hàng” Để thu hút các NĐT, viên chức Việt Nam cần phải biết “tiếp thị” địa phương mình như một mặt hàng. Các nhà quản lý địa phương cần xác định được thế mạnh cụ thể của địa phương mình mà không nơi nào có, đó có thể là lợi thế địa lý, như sở hữu một cảng nước sâu hoặc có lực lượng lao động có trình độ cao... Các địa phương cần tích cực gặp gỡ các NĐT, dự các hội nghị quy tụ các NĐT quốc tế để tiếp thị những thế mạnh của địa phương mình, chứ không đơn thuần chỉ là những con số khô khan. Các địa phương cần tự tìm kiếm những NĐT tiềm năng, cam kết hỗ trợ cho họ bằng những giải pháp hiệu quả, thực tế như giải quyết vướng mắc ở khâu thủ tục hành chính... Bên cạnh đó, các DN cần được cam kết tiếp tục hỗ trợ sau khi đã đầu tư. Tôi nhận thấy, Việt Nam có nhiều sản phẩm tốt nhưng điều quan trọng là phải biết cách “chào hàng”. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ (huyện Chương Mỹ) Chu Đức Lượng: Cách tiếp cận mới hỗ trợ tích cực cho DN Cuộc tọa đàm là sự một bước chuyển mới của TP Hà Nội. Lãnh đạo TP đã quan tâm tới sự phát triển chung, trong đó có các DN khi tổ chức tọa đàm. Nó như một thông điệp về việc cởi mở các thủ tục để chào mời đầu tư. Qua đây, các DN cũng đón nhận thông tin từ các DN nước ngoài, chính sách từ TP để định vị lại DN mình cũng như định hướng phát triển trong tương lai, đặc biệt là khi làn sóng TPP đang đến gần. Hiện nay, TP đang làm 2 việc mà DN và người dân đang rất cần và quan tâm: Thứ nhất, những người đứng đầu TP đưa ra thông điệp cải cách thủ tục hành chính, làm sao rút ngắn thủ tục để giải phóng sức lao động cho DN cũng như người dân. Thứ hai, TP tạo điều kiện cho DN được lắng nghe, tiếp cận các chính sách vĩ mô và đón nhận được cơ hội khi tham gia hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, TP chỉ hoạch định vĩ mô để các DN đón nhận thông tin, phía DN cần tự vận động sản xuất gì, sản xuất như thế nào, nỗ lực, định hướng phát triển, tự vận động điều chỉnh mình để thích ứng cao nhất, tạo sự liên kết cùng phát triển. Lan Anh ghi
|