Chọn đơn vị khó để “làm mẫu”
Theo Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 39, TP đã tập trung tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, công chức; phát huy tinh thần dân chủ, trực tiếp đối thoại để cởi gỡ tâm tư, động viên cán bộ, công chức. TP cũng lựa chọn những đơn vị có vị trí quan trọng để làm trước, như các ban Đảng, Văn phòng UBND TP. Với cách làm bài bản, chặt chẽ, khẩn trương như vậy, nên trong thời gian không dài, việc thực hiện Nghị quyết 39 đã đạt được những kết quả quan trọng.
Sau sắp xếp, Khối các cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội TP đã giảm 13 đầu mối phòng, ban (13,8%); giảm 9 đơn vị sự nghiệp (34,6%); giảm 13 cán bộ cấp trưởng phòng, ban; giảm 27 cán bộ cấp phó phòng, ban và tương đương. Đồng thời chấm dứt hoạt động của tổ chức Hội Nông dân tại 7 quận: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Long Biên và Tây Hồ. Các sở, ngành và tương đương giảm 46 phòng - ban (22,5%), giảm 26 trưởng phòng, giảm 116 phó trưởng phòng. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở giảm từ 401 xuống còn 280 đơn vị (giảm 121 đơn vị, tương đương 30,2%).
Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh Thanh Hải |
Tại các đơn vị, Ban quản lý dự án của TP: Hoàn thành sắp xếp lại các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của TP; sắp xếp lại Ban chỉ đạo GPMB TP; sáp nhập 3 Qũy (Qũy đầu tư phát triển TP, Qũy phát triển đất TP, Qũy bảo vệ môi trường thuộc Sở TNMT) thành 1 đơn vị trực thuộc TP. Sau sắp xếp, giảm 27 Ban quản lý dự án, 2 Qũy, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó.
Tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; bỏ phòng Dân tộc tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức do có số xã miền núi ít. Sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Sáp nhập Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa, Trung tâm thể thao và Đài phát thành thành Trung tâm văn hóa- thông tin và thể thao, từ 78 đơn vị giảm còn 30 đơn vị. Sáp nhập 24 Chi nhánh phát triển quỹ đất và 24 Ban Bồi thường GPMB thành 24 Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND cấp huyện quản lý…
Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh Thanh Hải |
Như vậy, đến nay, TP đã giảm 59 phòng ban, giảm 39 trưởng phòng, 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; giảm 27 Ban Quản lý dự án, 2 Quỹ, 30 cấp trưởng phòng, 69 cấp phó phòng. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở từ 401 còn 280 đơn vị. Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đều hoạt động hiệu quả, chất lượng, khối lượng công việc được cải thiện. Về thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức ở khối cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP, đến năm 2017 Hà Nội sẽ giảm được 69 biên chế so với hiện nay, đến năm 2020 giảm được 413 người. Khối cơ quan chính quyền giảm được 704 hợp đồng có chỉ tiêu đã tồn tại nhiều năm; hết năm 2016 giảm được 141 biên chế và phấn đấu đến 2020 - 2021 giảm được tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015.
Thông tin thêm về việc thực hiện Nghị quyết 39, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, khi thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Hà Nội đã quyết định chọn đơn vị “khó nhất” để làm thí điểm đầu tiên là Văn phòng UBND TP, với mục tiêu giảm từ 15 phòng xuống 9 phòng. Quá trình triển khai, lãnh đạo TP đã tập trung đối thoại để tạo sự đồng thuận, cùng đó phải đảm bảo đúng nguyên tắc và nhất là đảm bảo được sự ổn định hoạt động. “Thực tế làm gặp không ít khó khăn vì đây là việc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân, của mỗi Sở ngành nhưng nhờ tăng cường đối thoại nên đã đạt được hiệu quả cao, đảm bảo được sự phát triển của thành phố. Từ Văn phòng UBND TP có sức lan tỏa lớn, vì thế khi thực hiện tại các Sở ngành thuận lợi hơn. Đến nay TP không nhận được bất cứ một đơn thư nào liên quan đến sắp xếp, kiện toàn bộ máy và tinh giản biên chế…” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ.
Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, tới đây chủ trương của TP là các đơn vị có chức năng nhiệm vụ chồng chéo nhau sẽ sáp nhập lại. Riêng về ngành y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đúng là hiệu quả hoạt động của các trạm y tế phường, xã hiện nay rất hạn chế, nhất là ở một số quận nội thành có nhiều bệnh viện đóng trên địa bàn người dân hầu như không đến trạm xá. Vì thế, Hà Nội đã thống nhất với Bộ Y tế và tới đây sẽ thực hiện chủ trương chuyển toàn bộ các trạm y tế thành phòng khám bác sĩ gia đình và khoán cho các Trưởng Trạm Y tế, thực hiện chức năng quản lý sức khỏe dân cư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả TP Hà Nội đạt được trong thực hiện Nghị quyết 39, với cách làm quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm nên không chỉ đảm bảo yêu cầu mà còn tạo động lực để bộ máy vận hành hiệu quả hơn. Nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị TP tiếp tục hướng đi ấy với quyết tâm cao hơn. Đồng thời tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, tăng cường phân cấp, xã hội hóa những lĩnh vực tư nhân có thể tham gia để tách các dịch vụ công ích khỏi công tác quản lý Nhà nước. Trưởng Ban Tổ chức T.Ư gợi ý TP cần tập trung vào các ngành y tế, giáo dục, nông nghiệp là những ngành bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động chưa hiệu quả
Tiếp thu ý kiến của đồng chí Phạm Minh Chính và Đoàn kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Nghị quyết số 39 chính là động lực để TP quyết tâm hơn trong việc kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy hiệu quả. Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, quá trình triển khai cần có sự chỉ đạo đồng bộ và hướng dẫn cụ thể hơn từ các cơ quan T.Ư, bởi hiện có những đầu mối khi sắp xếp lại còn chưa có sự thống nhất về mô hình giữa các bộ, ngành với địa phương. Bí thư Thành ủy yêu cầu thời gian tới, khi thực hiện sắp xếp, tinh giản quy mô lớn hơn, đầu mối giảm nhiều hơn thì công tác tư tưởng cũng phải làm tốt hơn, đảm bảo ổn định và hiệu quả cao. “Hà Nội sẽ quyết tâm cao để việc thực hiện Nghị quyết số 39 đạt kết quả tốt, thực sự trở thành động lực giúp TP phát triển hơn”, đồng chí nhấn mạnh.