Theo bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết chiều 2/4, việc hàng hóa từ Trung Quốc nhập lậu, giả mạo hàng Việt Nam đang là một nguy cơ đáng báo động đối với sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sản xuất chân chính. “Đây là một trong những việc mà Chi cục quản lý thị trường Hà Nội tập trung kiểm tra quyết liệt” – bà Mai nói.
Gà thải loại nhập lậu từ biên giới về đã được kiểm soát tại thị trường Hà Nội.
Điển hình trong số những mặt hàng Trung Quốc giả mạo hàng Việt Nam là gà nhập lậu. Theo bà Mai, gà nhập lậu từ biên giới đưa về thị trường Hà Nội có lợi nhuận rất lớn, gấp 7 đến 8 lần. “Sau khi được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp chỉ đạo và cả hệ thống chính trị của Hà Nội vào cuộc, thực hiện quyết liệt, qua kiểm tra gần 100 vụ và thu giữ hàng chục tấn gia cầm nhập lậu, đến giờ phút này, về cơ bản đã kiểm soát được gà nhập lậu vào chợ Hà Vĩ” – bà Mai nói.
Bà Mai cũng cho biết, gần đây, ở chợ đầu mối Hà Vĩ xuất hiện một lượng gà giống như gà nhập lậu từ biên giới, tuy nhiên qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm cho thấy đó là gà thải loại trong nước. “Cũng là gà thải loại, cùng một giống với gà nhập lậu và trông giống hệt gà Trung Quốc, nhưng kiểm tra, làm các xét nghiệm cho thấy gà thải loại trong nước hoàn toàn đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, không có các chất độc hại như gà nhập lậu” - bà Mai cho biết.
Mặc dù vậy, theo bà Mai, lực lượng buôn gà lậu hiện nay rất tinh vi, dùng xe chuyên chở gà kín như xe bảo ôn, chỉ hở trên nóc. Ngoài ra, bọn chúng cũng dùng xe du lịch để chuyên chở gà. Tuy nhiên, lượng gà chuyên chở mỗi xe chỉ một vài tạ chứ không hàng tấn như trước đây. Điều nguy hiểm là gần đây, bọn buôn lậu chuyển sang lén lút đưa gà giống Trung Quốc vào thị trường trong nước và một lượng lớn đã bị bắt giữ, tiêu hủy. Để phân biệt gà giống Trung Quốc với gà giống trong nước, bà Mai cho biết, gà giống trong nước sau khi nở 1-2 ngày là được xuất ra bán cho người chăn nuôi, còn gà giống Trung Quốc khi vào đến thị trường Việt Nam đã lớn khoảng trên 10 ngày, đã có lông cánh dầy dặn. Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng dễ phát hiện hơn.
Liên quan đến vấn đề hàng Trung Quốc không đảm bảo chất lượng, bà Mai cho biết, do hàng Việt Nam nhiều năm qua đã được nâng cao chất lượng, có uy tín và được người tiêu dùng lựa chọn nên nhiều người đã tranh thủ nhập nhằng hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam, thậm chí họ cố tình giả mạo bằng cách dán các loại nhãn mác made in Việt Nam. “Ngay cả từ chiếc vợt muỗi, hàng Việt Nam làm rất tốt, nhưng đã bị hàng Trung Quốc đưa vào rồi dán nhãn mác Việt Nam để lừa người tiêu dùng" - bà Mai cảnh báo.
Theo thống kê, quý I năm 2003, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 22 vụ, phạt hành chính hơn 49 triệu đồng; tịch thu tiêu hủy hơn 1,5 tấn gia cầm, gần 166.000 quả trứng gia cầm; hơn 2 tấn sản phẩm chế biến từ gia cầm và hơn 10.000 con gia cầm sống.
Trong khi đó, đoàn cơ động liên ngành Thành phố về gia cầm nhập lậu đã phối hợp kiểm tra xử lý 88 vụ việc vi phạm về vận chuyển gà không rõ nguồn gốc; xử lý vi phạm hành chính được trên 95 triệu đồng; tịch thu tiêu hủy hơn 15 tấn gà lông; hơn 4 tấn sản phẩm gia cầm tươi sống; hơn 172.000 quả trứng gà, 500 con vịt, hơn 10.000 con gia cầm giống và 6,5 tấn gà đông lạnh.